Sách Khai Minh - Phụng Sự Nhân Sinh

Bản Tự Kiểm Điểm Của Ông Trần Đức Thảo

27/12/2020

Bản Tự Kiểm Điểm Của Ông Trần Đức Thảo

 

Bài in 3 số liền trên báo Nhân Dân năm 1958

Nguồn: Dương Thắng

Cuối cùng, như mọi “vụ việc” đúng trình tự, ông Trần Đức Thảo phải làm bản tự kiểm thảo công khai. Bản tự kiểm thảo này (“Ông Trần Đức Thảo tự kiểm thảo”, Nhân Dân, số 1531, 1532 và 1533, ngày 25, 26 và 27/5/1958) xuất hiện trên cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản. Đọc mà thấy đau lòng! Dưới đây không phải là toàn văn bài tự kiểm thảo, nhưng là một cái nhìn tổng quát gồm những câu, đoạn trích từ nguyên văn:

“Mùa thu năm 1956, tôi đã có một biến chuyển lớn và đặc biệt tác hại. Tôi đã mất lập trường một cách nghiêm trọng và kéo dài, đi sâu vào con đường tự do vô chính phủ, con đường chống Đảng. Tôi đã tìm cách “mở rộng” những khái niệm mác-xít đặng dung hoà cái cũ và cái mới, mơ mộng một hình thức vô sản chuyên chính bảo đảm tự đo cá nhân, theo kiểu như tôi đã quen thuộc ở bên Pháp: tức là mở rộng xoá nhoà ranh giới giữa địch và ta (...). Ngày xưa tôi đã bị mê hoặc trầm trọng bởi triết học duy tâm, tự cao tự đại! Từ lúc về nước tham gia kháng chiến, tôi đã cố gắng xây dựng lập trường, tư tưởng cách mạng và học tập chủ nghĩa Mác - Lênin. Tuy nhiên, do vốn văn hoá cũ của tôi phức tạp và nặng nề, cái di sản tư tưởng tư sản và tiểu tư sản vẫn trị sâu trong con người. Nhưng tôi vẫn cố gắng khắc phục cái tư tưởng cũ bằng ý chí phục vụ nhân dân, phục vụ chế độ. Tôi đã tụt xuống cái lập trường xét lại. Tôi đã viết: “cá nhân xây dựng tập thể”, không đặt vấn đề kỉ luật tổ chức. Tôi đã nghi ngờ về vai trò lãnh đạo của Đảng, tiên phong của giai cấp công nhân, cũng như sùng bái cá nhân ở mỗi cấp lãnh đạo. Đây là một sai lầm nghiêm trọng. Tôi đã đến họp bốn lần trong nhóm Nhân Văn. Tôi cho rằng tôi không đóng vai trò gì đặc biệt. Nhưng giờ suy nghĩ lại, thì tôi thấy rằng tôi đã có trách nhiệm hết sức nặng nể. Tôi không nhớ cụ thể những lời mà một số người nói là lời của tôi. Nhưng tất nhiên tôi đã tuyên truyền cho những tư tưởng xét lại, làm cho nhóm tin thêm rằng phong trào tự do dân chủ có phát triển bừa bãi chăng nữa, thì vẫn căn bản nó có tính chất cách mạng. Tôi mang một phần trách nhiệm quan trọng trong sự chuyển biến của báo Nhân Văn từ văn nghệ sang chính trị. Tôi đã chuyển những tờ báo Người quan sát (Observateur), Tin nhanh (Express) và mấy số Thời Đại mới (Les Temps modernes) cho mấy người trong nhóm Nhân Văn. Những số báo ấy đã gây tai hại rất lớn, vì nó xuyên tạc những sự biến ở Hung-ga-ri. Ngoài ra, tôi thường đọc báo Thế giới (Le Monde). Tôi đã đóng một vai trò tuyên truyền rất tai hại. Đại khái tôi thường nói rằng sau Đại hội XX thì trong các Đảng Cộng sản đều có hai hướng: hướng giáo điều, theo Sta-lin và hướng “dân chủ hoá”, chống Sta-lin, và trong tương lai thì cái hướng chống Stalin nhất định thắng. Tôi để cao hình thức xã hội chủ nghĩa ở Nam Tư và Ba Lan mà thật ra thì nhằm ca tụng trong ấy những yếu tố có tính chất xét lại. Kiểm điểm lại việc làm từ mùa thu năm 1956, tôi vô cùng đau xót. Tôi đã mất cái phần tiến bộ mà tôi đã tiếp thu trước kia nhờ công trình kháng chiến của nhân dân và lãnh đạo của Đảng. Tôi rất đau xót và xin nhận lỗi trước Đảng và trước nhân dân...”

zalo