Sách Khai Minh - Phụng Sự Nhân Sinh

Bàn Về Tính Khách Quan Của Triết Học Hay Là Triết Học Về Tính Khách Quan

23/07/2021

Tác giả: TS. Dương Ngọc Dũng

Nguồn: FB Nguyễn Hữu Liêm

Bàn Về Tính Khách Quan Của Triết Học Hay Là Triết Học Về Tính Khách Quan

Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng

Khi được BBC tiếng Việt hôm nay (22/7/21) hỏi về tính khách quan của Tạp chí TRIẾT, GS Dương Ngọc Dũng trả lời:

TRIẾT HỌC KHÔNG PHẢI LÀ TRI THỨC, CŨNG KHÔNG PHẢI LÀ SỰ KHÔN NGOAN HAY TRÍ TUỆ. NÓ CHỈ LÀ SỰ THAO THỨC, TÌM KIẾM, TRA VẤN, KHẢO SÁT, PHÊ PHÁN TẤT CẢ NHỮNG THỨ ĐƯỢC “SẢN XUẤT,” “ĐÓNG HỘP,” VÀ DÁN NHÃN “CHÂN LÝ.” NGAY CẢ CÁI GỌI LÀ “TÍNH KHÁCH QUAN” CŨNG LÀ ĐỐI TƯỢNG PHÊ PHÁN CỦA TRIẾT HỌC! CỤM TỪ NÀY CHỈ ĐƯỢC SỬ DỤNG ĐỂ CHE DẤU VÀ BIỆN MINH CHO SỰ CHỦ QUAN.

Vũ khí duy nhất của triết học là năng lực tư duy của LÝ TÍNH. Như Georges Gusdorf đã viết: “Công việc của lý tính trên hết là một yêu sách , yêu cầu, đòi hỏi sự trong sáng minh bạch minh nhiên: phận sự của mỗi một con người là đem lại trật tự cho vũ trụ bằng cách bứt nó ra khỏi sự rối loạn về vật chất, tinh thần, hay đạo đức, để tự mình giải thích cho chính mình, khiến cho cái cõi u minh nguyên thủy này được chuyển dời từ một thế giới hỗn mang mộng mị sang một cảnh giới phân minh trật tự rõ ràng đâu ra đó. Thiên chức của một triết gia cũng chỉ là một trường hợp đặc thù của cái thiên chức chung đó, cái thiên chức kêu gọi ai ai cũng phải hiện thực hóa, phải biến thành hiện thực, cái nhân tính, nhân loại tính, đã có sẵn nơi ta, và đang tồn tại quanh ta” (La tâche de raison est d'abord une exigence de lucidité: il appartient à chaque homme, pour son propre compte, d'ordonner l'univers en l'arrachant à la confusion matérielle, mentale et morale, pour le faire passer du chaos au cosmos. La vocation du philosophe n'est donc qu'un cas privilégié de la vocation qui appelle tout homme à réaliser l'humanité en soi, et autour de soi. Georges Gusdorf, TRAITÉ DE MÉTAPHYSIQUE (LUẬN VỀ SIÊU HÌNH HỌC Paris: Librairie Armand Colin, 1956, tr.15-16).

Mặc dù triết học, thông thường và căn cứ theo ngữ nguyên, vẫn thường được định nghĩa là “yêu mến sự khôn ngoan,” nhưng triết gia lại không phải là một kẻ KHÔN NGOAN chút nào! TRIẾT GIA LẠI CÀNG KHÔNG THỂ “KHÁCH QUAN”!

Thế nào là một kẻ “KHÔN NGOAN”?

“KHÔN NGOAN” là chân dung trí thức phổ biến của con người thời đại, Đông cũng như Tây, toàn cầu. Về phương diện trí tuệ, họ chẳng có một lập trường gì rõ rệt, cũng chẳng bao giờ hao tốn năng lực suy tư gì cho mất công, mặc dù trên tay lúc nào cũng cầm chặt một cuốn sách triết nào đó. Đó là những kẻ, nói theo ngôn ngữ của Nietzsche, “đào huyệt chôn Thượng Đế,” nhưng lại luôn mồm rêu rao “đạo nào cũng tốt” để tránh khỏi công việc nặng nhọc là phải nghiên cứu tôn giáo. Thường thì loại người này chẳng hề làm ai mất lòng, thậm chí được nhiều người yêu mến, các đại học đầy rẫy loại giáo sư “KHÔN NGOAN” này, vì chẳng đụng chạm ai, không bao giờ phê phán bất kỳ cái gì. Những con người này luôn luôn ẩn nấp đàng sau TÍNH KHÁCH QUAN. ĐÂY LÀ PHẢN ĐỀ TOÀN DIỆN, nhưng không phải là đối thủ, của một triết gia, người luôn luôn “cà khịa” với toàn bộ thế giới. Trong khi tôn giáo và khoa học đưa ra câu trả lời, triết gia lại đặt câu hỏi. Khi Marx đưa ra “câu trả lời” ông không còn là một triết gia nữa mà đã biến thành “giáo chủ” cho một “tôn giáo” mới. Cho nên đối thủ của triết gia lại không phải là những con người hết sức KHÔN NGOAN và KHÁCH QUAN này. Đối thủ thực sự của triết gia chính là:

1-Những người tin rằng mình đã sở hữu, thậm chí độc quyền sản xuất và ban phát chân lý: các chuyên gia của Bộ Giáo Dục, những nhà khoa học tất bật trong phòng thí nghiệm và các cuộc hội thảo khoa học, cũng như những chính trị gia đang hăng hái dạy cho mọi người biết thế nào là lòng ái quốc.

2-Những người tin rằng mình khôn ngoan hơn, thông tuệ hơn, đạo đức hơn người khác: những nhà thần học, những tu sĩ, và giáo chủ các tôn giáo đủ loại.

KẾT LUẬN:

1-Triết gia không có “chân lý” hay “sự thông tuệ, ” “khách quan,” hay sự “khôn ngoan” để trao cho bạn. Thậm chí ông ta còn hoài nghi về sự tồn tại của “chân lý,” “tính khách quan,” hay “sự thông tuệ.” Đặc tính của triết gia, theo tôi, nằm ngay trong bản thân chữ PHILOSOPHIA của Hi Lạp mà tôi xin phép được diễn giảng theo ý riêng như sau:

P= PATIENCE & PERSEVERANCE= kiên nhẫn, kiên trì trong việc theo đuổi chân lý, cho dù không hề biết chắc liệu “chân lý” có thực sự tồn tại hay không.

H= HONESTY= trung thực với chính bản thân mình, không sống trong ảo tưởng “thiên tài, ta là thông tuệ đệ nhất thiên hạ.”

I= INTEGRITY= liêm chính về mặt trí thức, biết thì nói, không biết thì im lặng, không diễn kịch “thánh nhân.”

L= LOYALTY= trung thành với truyền thống tư duy khởi nguồn từ Hi Lạp, luôn có thái độ chất vất, tra hỏi, tinh thần hoài nghi lành mạnh.

O=OBSERVATION= luôn quan sát thế giới nhân văn xung quanh chúng ta để kiểm nghiệm những điều học được trong sách vở.

S=SOURCES= suối nguồn, kinh điển gốc. Phải nhớ rằng các giải thích hay bình giải, cho dù bắt nguồn từ những quyền uy học thuật, vẫn không thể thay thế tác phẩm gốc.

O=ORDER= trật tự trong tư duy, lập luận, vì hiểu rằng ngay cả trong những gì mà chúng ta thấy là sự hỗn loạn, vẫn tồn tại một thứ trật tự nào đó. Nhiệm vụ của triết gia là tìm kiếm cái trật tự đó.

P=PRUDENCE= thận trọng trong việc diễn dịch, suy luận, không bao giờ khẳng định mình đã nắm được chân lý tối hậu.

H=HISTORY & HISTORICITY= lịch sử, sử tính. Phần lớn những điều chúng ta xem là “chân lý” đều có sử tính của chúng. Phải đi theo gợi ý của BARTHES và FOUCAULT: truy nguyên nguồn gốc lịch sử của các hệ thống diễn ngôn, kể cả diễn ngôn triết học, để phơi bày tính huyền thoại của chúng.

I=INSIGHT= tuệ kiến, cái nhìn sâu vào hiện tượng được quan sát, sự thấu hiểu bằng trực giác, khắc phục các thiếu sót, ngây thơ của LÝ TÍNH (RATIONALITY).

A=ALL-EMBRACING VISION= tầm nhìn bao quát, rộng mở, không sa vào qui giản luận (reductionism) của các ngành chuyên môn hẹp, tự làm đui mù bằng các số liệu cụ thể.

2-Nếu bạn lại muốn một câu “trả lời” hay một “đáp án” đơn giản, trong sáng, gọn gàng, và “khách quan” cho những vấn đề trong đời mình, có một số địa chỉ khác, không phải là triết học, rất được ưa chuộng xin được giới thiệu: chính phủ, quân đội, công an, chính trị, khoa học, tôn giáo, tư vấn tình yêu và hôn nhân. (DND).

Có thể là hình ảnh về 4 người, mọi người đang ngồi và trong nhà

(Photo: Trái qua: Dương Ngọc Dũng, Phạm Việt Cường, Hoàng Chính Nghĩa, Nguyễn Hữu Liêm, 2018, SG).

zalo