Sách Khai Minh - Phụng Sự Nhân Sinh

Chủ Nghĩa Hiện Sinh

29/12/2020

Tác giả: Dương Thắng

Chủ Nghĩa Hiện Sinh

Ảnh chân dung hai chủ soái của chủ nghĩa hiện sinh (từ trái qua phải): Albert Camus - Nobel Văn Chương 1957; Jean-Paul Sartre - Nobel Văn Chương 1964 (Satre từ chối không nhận)

Các nhà nghiên cứu lịch sử triết học đều thống nhất với nhau rằng cột nguồn của chủ nghĩa hiện sinh đó là sự hồi sinh trở lại các tư tưởng của Kierkegaard, bắt đầu từ nước Đức sau đó lan rộng ra toàn Châu Âu và trở thành mốt thời thượng cho đến tận những năm 60 của thế kỷ 20. Chủ nghĩa hiện sinh được xem như tấm gương phản ánh sự khủng khoảng của tinh thần lạc quan triết học đã từng tồn tại trong các trào lưu triết học trước đó như chủ nghĩa duy tâm, duy vật, thực chứng..

Chủ nghĩa hiện sinh xem rằng con người không phải là một khách thể minh họa cho lý luận, không phải là một thành tố được tách ra từ hệ thống, con người là một sinh vật hữu hạn, “bị quẳng vào thế giới”, thường xuyên nằm trong những bối cảnh có vấn đề và thậm chí là “nhảm nhí”.

Khái niệm hiện sinh được định nghĩa như thế nào? Sự hiện sinh không phải là một bản chất của tự nhiên, một cái gì có sẵn trong tự nhiên, mang tính bẩm sinh, được định trước và bất biến. Sự hiện sinh nhấn mạnh đến tính hữu hạn của sự thực tồn người, bản chất của nó là khả năng, “khả năng tồn tại”. Khác với giới động vật và thực vật, con người là cái mà nó quyết định trở thành, trong cái ý nghĩa tự kiến tạo đấy, sự thực tồn của con người trở nên có ý nghĩa quyết định trong sự vượt ra khỏi giới hạn của bản thân mình, sự nhẩy vọt về phía trước, tùy thuộc vào việc nhẩy vọt hướng tới đâu : Chúa Trời, Thế Giới, Những đáy sâu thẳm trong tâm hồn mình, Tự do, Hư Vô...người ta sẽ tiến hành phân nhánh các trào lưu hiện sinh đó.

Viết tới đây tôi bỗng nhớ tới một bài thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh mà tôi đọc được trên Facebook cách đây cũng khá lâu

Tôi là con thú

Không hiểu nhiều về ngày mai

Dự trữ vài kỹ năng để sống sót

Còn bây giờ xào xạc lá kích thích tôi liên tục vồ về những phía trước.

Bài thơ này rất tuyệt, một tuyên ngôn hiện sinh bằng thơ!

Quan niệm hiện sinh là như thế, các tác giả chủ soái của trào lưu hiện sinh không tránh khỏi việc đưa ra những nhận định bi đát của sự hiện sinh, cái ác và sư hư vô, tính phi lý của sự tồn tại người. Minh chứng rõ rệt nhất với họ đó là việc dân tộc Đức, một dân tộc có đầy đủ những phẩm chất ưu việt nhất: tính kỷ luật, sự logic chặt chẽ trong lý tính, việc nước Đức - cái nôi sản sinh ra nền triết học cổ điển rực rỡ.. lại là một dân tộc, một đất nước hăm hở hùa theo nhà nước Quốc Xã để tiêu diệt các đồng loại, tống hàng triệu người vào lò thiêu xác một cách lạnh lùng, không mẩy may nghĩ ngợi và tự vấn lương tâm.

Rất nhiều người đã kết tội chủ nghĩa hiện sinh đã sản sinh ra một lối sống suy đồi, những sự phá hoại chuẩn mực đạo đức hay là nguồn cơn của phong trào Hippi lan rộng trong thế giới phương Tây vào những năm 60-70 của thế kỷ 20. Ở Việt Nam, cho tới tận hôm nay tôi vẫn bắt gập trên các mạng xã hội một vài bạn trẻ viết kiểu “hiện sinh” trong cái sự ngộ nhận ấu trĩ đó. Từ ngữ thì cóp nhặt từ mấy cuốn hiện sinh rẻ tiền của các tác giả hạng hai của Sài Gòn trước 1975, triết lý thì quanh đi quẩn lại chỉ có “buồn nôn” và “phi lý”, thấy J-P Satre viết tác phẩm “Buồn Nôn”, trong bài viết nào của bạn trẻ đó cũng có hình tượng "Buồn Nôn" đại loại như :“ta ngồi đây trên đỉnh núi cao , râu tóc phủ đầy, ta nôn vào cái nhân quần hỗn loạn dưới kia, nhưng Ma, Phật, Thánh, Người đang chia nhau xôi oản cúng tế...ta buồn nôn...” Tội nghiệp cho anh bạn trẻ, đọc Satre và hiểu hai chữ “buồn nôn”  của ông theo nghĩa dung tục như thế thì thật sự chẳng hiểu gì. Thực chất, chủ nghĩa Hiện Sinh có ý định xây dựng một triết lý nhân sinh mới và qua đó là một chủ nghĩa nhân đạo mới.

Để làm sáng tỏ nhận định trên, trước hết cần phải trả lời cho câu hỏi: thế nào là một người theo chủ nghĩa hiện sinh và có tư duy hiện sinh? Ở Việt nam chúng ta và chắc là ở nhiều nơi khác cũng thế, sẽ có một số người đọc một vài cuốn sách của Satre hay Camus, chọn các tác giả đó là “người cha tinh thần” và tuyên bố mình là người theo chủ nghĩa hiện sinh bằng việc cố gắng sống và hành động, viết lách theo một vài tư tưởng nào đó trong các cuốn sách đó. Đấy không phải là lối nghĩ và hành động của chủ nghĩa hiện sinh, bởi từ lâu, tư duy hiện sinh đã không còn là độc quyền của một nhà triết học hay một trường phái triết học nào cả, nó đã trở thành một phần trong cái tâm tính xác định của con người Phương Tây hiện đại. Chìa khóa ở đây là để thấu hiểu chủ nghĩa hiện sinh thì không thể thiếu một kinh nghiệm hiện sinh xác định, cái kinh nghiệm đó, không một cuốn sách nào, không một tác giả nào có thể giúp chúng ta ngoài chính chúng ta. Rất nhiều người nghĩ rằng sự khủng hoảng hiện sinh sẽ kéo theo việc làm mất ý nghĩa cuộc sống, đó là một sự ngộ nhận nguy hiểm. Đúng là khủng khoảng hiện sinh xuất hiện khi chúng ta không còn có thể tiếp tục sống trong thế giới hiện thực này và cũng không thể quay lại để thu mình trong cái vỏ ốc của những ảo tưởng cũ, Tư duy hiện sinh chỉ xuất hiện khi có mặt ý thức và sự suy ngẫm về tình huống khủng khoảng đã hình thành và việc tìm ra con đường khắc phục nó, rơi vào khủng khoảng hiện sinh mà không có được một tư duy hiện sinh đương nhiên sẽ dẫn đến cái chết hiện sinh như những hiện tượng ngộ nhận và lầm lạc như tôi đã nêu trên.

Vậy thế nào là một tư duy hiện sinh theo đúng nghĩa của nó? Đó là sự thấu hiểu bản thân mình và khả năng tự do thay đổi lập trường hiện sinh của minh, điều đó chỉ thực hiện được trên cơ sở một nền tảng văn hóa và một kinh nghiệm/trải nghiệm hiện sinh dầy dặn và vững chắc. Tất nhiên khái niệm văn hóa ở đây là khái niệm văn hóa được “cá nhân hóa” tuyệt đối , do mỗi cá nhân thu lượm và tích lũy trong hành trình sống của mình, chứ không phải thứ “văn hóa chung” mà người ta đang cố gắng xây dựng và áp đặt bằng các phương tiện thông tin đại chúng hay bằng những hoạt động của những đoàn nghệ thuật “tuồng chèo” như hiện nay. Chủ nghĩa hiện sinh đã cố gắng tối đa phá hủy các áp đặt khô cứng của các loại “văn hóa tuyệt đối, văn hóa tiêu dùng, văn hóa đại chúng..”, giải phóng ý thức con người khỏi những đè nén cua chúng, mở đường cho con người đi tới tự do cá nhân. Đó chính là cái tinh thần “Chủ nghĩa hiện sinh- đó là chủ nghĩa nhân văn mới”. Đó chính là thông điệp mà J-P Satre muốn chuyển tới cho nhân loại.

Kết thúc bài này, tôi cũng chỉ muốn nhắn nhủ tới anh bạn viết trẻ đã được nhắc tới ở trên. Satre viết “Buồn Nôn”  không có nghĩa là ông ấy xui bạn “nôn mửa” lung tung trên các bài viết ở các trang mạng xã hội như bạn đang làm. Cái đó làm chúng tôi, những bạn đọc nghiêm túc thấy rất buồn cười và khó chịu nữa.

Dương Thắng

zalo