Sách Khai Minh - Phụng Sự Nhân Sinh

Hiện Tượng Học Và Chủ Nghĩa Marx - Nhập Đề

24/12/2020

Tác giả: Elise Tourte

Dịch giả: Dương Thắng

Hiện Tượng Học Và Chủ Nghĩa Marx - Nhập Đề

Karl Marx

Nguồnhttps://unphilosophe.com/2015/05/11/phenomenologie-et-marxisme-introduction/

Dương Thắng dịch từ nguyên bản tiếng Pháp: “Phénoménologie et marxisme | Introduction”

Mối liên hệ giữa Hiện Tượng Học và chủ nghĩa Marx, thoạt nhìn có vẻ như quá đỗi là nhân tạo và khiêm cưỡng. Một bên là một lý thuyết kinh tế và chính trị, được Karl Marx thiết lập và phát triển vào giữa thế kỷ XIX, phía bên kia là một học thuyết được Edmund Husserl tạo dựng nên trong những năm đầu của thế kỷ XX. Một quãng thời gian vài thập kỷ ngăn cách chúng với nhau. Hơn thế nữa , Husserl không phải là một độc giả lớn của Marx, tất cả những dữ kiện đó có vẻ như muốn chối từ một sự xích lại gần nhau của hai học thuyết này. Nếu có một sự tiếp xúc / va chạm nào đó giữa chúng, chủ yếu sẽ nằm ở sự tiếp xúc của những hệ quả được rút ra từ những hệ thống tư duy này. Sự áp dụng của chủ nghĩa Marx vào trong thực tiễn đã tạo ra một ảnh hưởng lớn lao lên khung cảnh chính trị cũng như tạo ra những xáo trộn rất lớn trong môi trường trí thức Âu Châu trong những năm 50 của thế kỷ XX. Còn Hiện Tượng Học , nó chỉ bắt đầu quyến rũ các nhà triết học ở vào thời kỳ sau Đại Chiến Thế Giới lần II, và có thể thấy ngay là các nhà triết học khi đó quan tâm nhiều hơn đến những khai triển hiện tượng học của Heidegger hơn là những công trình nền móng của nhà sáng lập hiện tượng học Edmund Husserl.

Louis Althusser

Cái gì sẽ xẩy ra khi một nhà hiện tượng học đọc chủ nghĩa Marx ? Những cống hiến đầu tiên khi các nhà hiện tượng học Pháp diễn giải Marx, đó là việc ghi nhận một mối liên hệ rất gắn kết giữa Marx và triết học. Cũng ở vào thời kỳ đó, Althusser lại khẳng định ngược lại rằng: với tác phẩm Hệ Tư tưởng Đức (1846), Marx đã rời bỏ cái mảnh đất triết học kinh điển và đã “ dương buồm ra khơi để hướng tới một lục địa mới”. Đa số các nhà hiện tượng học không tán thành luận điểm này, họ cho rằng từ những tác phẩm thời trẻ cho đến bộ Tư Bản, Marx vẫn luôn luôn tư duy và hành động với tư cách một nhà triết học theo nghĩa kinh điển nhất của từ này. Trong những năm 1980, Gérard Granel đã dành nhiều nỗ lực để công kích và bác bỏ cái ý tưởng về một sự “gián đoạn nhận thức” (coupure épistémologique) mà Althusser đề xuất khi đọc Marx.

Dựa trên niềm xác tín này, các nhà hiện tượng học hiển nhiên là những người có đủ tư cách nhất để nghĩ về một mối liên hệ giữa hiện tượng học và chủ nghĩa Marx, mối liên hệ linh hoạt, năng động, ảo mờ , khó nắm bắt ở rất nhiều phương diện. Cần phải giải thích ra sao về những thất bại của cả Hiện Tượng Học và Chủ Nghĩa Marx ? Liệu chúng ta có thể đọc lại Husserl qua lăng kính của Marx và ngược lại?

Maurice Merleau-Ponty

Chúng ta sẽ thấy rõ những vấn đề ở mức độ toàn cảnh mà những câu hỏi này đã đặt ra. Đó chính là vấn đề về mối quan hệ giữa triết học và thế giới. Làm cách nào để có thể áp dụng hay hiện thực hóa một học thuyết mang tính thuần túy lý thuyết, đưa nó rời khỏi cái tháp ngà lý thuyết và trực tiếp tham gia vào trường các hoạt động xã hội ? Nhà triết học có nghĩa vụ phải trực tiếp tham gia vào hành động? Tổng quát hơn, làm thế nào để một suy tư có thể mang tới những tác động vào thế giới. Những câu hỏi này đã báo hiệu một vận động biện chứng , một mối quan hệ đầy xung đột giữa thế giới và tư duy. Trong những hành trình của mình, Marx và Husserl đã cố gắng giải quyết mối xung đột này, bằng việc tự mình thực hiện những triển khai mang tính biện chứng theo những quỹ đạo song song với nhau. Với Marx, để có thể cải tạo được thế giới, điều cần thiết là tư duy phải có được những ảnh hưởng lên vật chất. Nhưng nếu chúng ta (chỉ) xem xét cái ảnh hưởng của tư duy lên vật chất, chúng ta không thể xem rằng Marx là một nhà triết học duy vật. Một cách hiểu mới về chủ nghĩa duy vật phải được xem xét đến nhưng vẫn phải giữ vững quan niệm rằng thế giới vật chất là quyết định cho ý thức. Đó chính là phép đảo ngược biện chứng để khẳng định sự ghi dấu của con người, tức là những tư duy của họ, hệ tư tưởng của họ lên thế giới vật chất. Với Husserl, những luận đề đầu tiên đó là việc cái tôi suy ngẫm thực hiện tự nó thực hiện việc xây dựng thế giới. Nhưng các triết gia hiện tượng học tiếp theo đó đã xây dựng khái niệm Lebenswelt, thế giới cuộc sống , nền tảng cho sinh triển của cái tôi. Liệu có khả năng gắn kết hai cấp độ này?

Một vài yếu tố trong triết học đương đại có thể giúp cho việc hiểu được mối quan hệ giữa hiện tượng luận và chủ nghĩa marx và có thể cho việc hội tụ các nghiên cứu về những điểm chính yếu. Viễn cảnh thứ nhất thuộc về những người thực hành chính trị marxiste: những người nhận thấy một nan đề, một vấn nạn trong phương pháp hiện tượng luận, theo họ chúng làm cho việc ứng dụng hiện tượng học trở nên bất khả. Nhắc lại những lời trách móc của Heidegger đối với Husserl, họ phê phán cái con người suy ngẫm zeitlos ( a-temporel ) đạt được trong quá trình quy giản siêu việt và kêu gọi đem chủ thể quay trở về với hiện thực. Trần Đức Thảo, trong tác phẩm nổi tiếng: “Hiện tượng học với chủ nghĩa duy vật biện chứng” đã đưa ra dự đoán rằng sự “vượt bỏ” hiện tượng học Husserl sẽ được thực hiện bởi chủ nghĩa duy vật marxiste. Theo Trần Đức Thảo, phương pháp quy giản hiện tượng học chỉ có thể được sử dụng có hiệu quả nếu nó được tích hợp vào như là một giai đoạn của phép biện chứng duy vật, và như thế hiện tượng học đã được hấp thụ bởi chủ nghĩa marx. Nhưng một cách xem xét như thế đã nhìn nhận Husserl như một nhà triết học duy tâm, trong khi mà phép quy giản siêu nghiệm mới chỉ là một giai đoạn trong lý thuyết của ông.

Đối với Merleau-Ponty, người không ngừng trở lại với Marx thời trẻ và đọc ông trong hiện tượng học, chính hiện tượng học mới đem đến một hứa hẹn vượt thoát khỏi thứ chủ nghĩa marx cơ giới và duy vật thô thiển đang được khai triển theo khuynh hướng bônsêvic. Dẫu vậy, chúng ta vẫn không thể coi Merleau-Ponty như là một nhà hòa giải vĩ đại, hơn thế nữa, cái cách nhìn của một vị “chúa cứu thế” đó hoàn toàn không tương thích với quan niệm về sự hòa quyện của con người và thế giới ở nơi ông. Chúng ta chỉ nên tập trung xem xét việc ông đã đi đến việc hợp nhất giữa lý thuyết và thực tiễn như thế nào bằng việc theo dõi tiến trình mở rộng lịch sử của hiện tượng học.

Như vậy thay vì dựng nên một hố sâu ngăn cách giữa chủ nghĩa marx và hiện tượng học, sẽ là thú vị hơn nếu chúng ta đi tìm một sợi dây kết nối chúng với nhau. Chủ nghĩa marx và hiện tượng học đã đặt ra ba cấu trúc của một mối quan hệ với hiện thực. Đi từ phép đảo ngược của Marx tới phép đối ngẫu chéo của Merleau-Ponty thông qua con đường trở lại với những sự vật của Husserl, có hay không một sự mất liên tục, một sự đứt gẫy ?

Sau khi đã đề cập đến hai cách nhìn thế giới của những nhà triết học đi theo Marx và đi theo Husserl, chúng ta có thể hiểu hơn về cái cách mà thế giới này đã được cấu tao ra như thế nào trong cách nhìn của họ. Từ nay, thế giới hiện ra như là suối nguồn của mối sinh triển của cái tôi và của con người,và như thế chúng ta đã dẫn về một phép biện chứng giữa cái lập thành và cái được lập thành, một phép biện chứng, bản thân nó rồi cũng sẽ bị vượt qua.

Nguồn: https://unphilosophe.com/2015/05/11/phenomenologie

zalo