Sách Khai Minh - Phụng Sự Nhân Sinh

Immanuel Kant (1724 – 1804)

30/08/2020

Tác giả: Dietrich Schwanitz

Người dịch: Trương Hồng Quang

Immanuel Kant (1724 – 1804)

Kant là Copernicus của triết học. Ông đảo ngược hướng nhìn và kìa hãy xem, trí tuệ đâu còn xoay quanh thực tại nữa, và trái đất của thế giới kinh nghiệm bắt đầu xoay quanh mặt trời trí tuệ. Hay nói một cách ít thi vị hơn: Kant không còn nhìn vào thực tại rồi đặt câu hỏi làm sao trí tuệ có thể phản ánh nó một cách trung thực nhất. Thay vào đó, ông hướng tới trí tuệ và đặt câu hỏi phải hình dung như thế nào về tri thức tiên nghiệm, tức tri thức có trước mọi thứ kinh nghiệm. Xuất phát từ đây ông đạt tới một cấu trúc hoàn toàn mới của các bình diện logich: Trí tuệ không còn thuộc về thế giới kinh nghiệm mà nó nhận biết, chính trí tuệ đã kiến tạo thế giới thông qua phương thức mà nó hình dung ra thế giới; trí tuệ không phải là một bộ phận của thế giới mà là khởi thủy của nó; trí tuệ không mang tính kinh nghiệm, mà mang tính siêu việt; nó quy định cho thế giới kinh nghiệm phương thức tồn tại của thế giới đó. Những phạm trù mà nó sử dụng để quan sát thế giới – chẳng hạn tính nhân quả – không phải là một phần của thế giới, mà là một phần của ma trận tri thức. Nói cách khác: trí tuệ, cũng như một nhóm sự vật nhất định, chẳng thể thuộc về thế giới, ví dụ loài chó đâu phải là một thành tố hiện hữu; tự thân khái niệm loài chó không phải là một con chó có thực, con chó Bello (xét từ giác độ kinh nghiệm) và loài chó (xét từ giác độ siêu việt) nằm trên hai bình diện logich khác nhau.

Với bước ngoặt kiến tạo luận này, Kant đã trả lời câu hỏi làm sao trí tuệ có thể quy thế giới kinh nghiệm muôn màu muôn vẻ về một mối thống nhất. Trí tuệ không đi tìm tính thống nhất trong thế giới, mà cung cấp cho thế giới tính thống nhất của nó. Ta không thể biết gì về tự thân thế giới, cái mà Kant gọi là „vật tự nó“; tuy nhiên những gì mà ta có thể tri thức được, ta sẽ tri thức chúng một cách tất yếu, và chỉ thông qua sức mạnh tạo nên tính thống nhất của trí tuệ.

Với khái niệm „siêu việt“ mà ông dùng như là đối lập của khái niệm „kinh nghiệm“, Kant mô tả tất cả những gì không có quan hệ quy chiếu đối với thực tại, mà đối với điều kiện của nhận thức. Triết học của ông chính vì vậy là triết học siêu việt. Nó mang tính phê phán, bởi lẽ nó gắn liền khả năng có thể nhận biết được thế giới với các điều kiện của trí tuệ, và thông qua đó mà cũng giới hạn khả năng nhận biết này. Do vậy mà Kant đã đặt tên cho ba tác phẩm chính của mình là: Phê phán lí tính thuần tuý (trong đó bàn đến các điều kiện của tri thức), Phê phán lí tính thực tiễn (trong đó bàn đến đạo đức) và Phê phán khả năng đánh giá (trong đó bàn đến mĩ học và các mục tiêu tối thượng). Qua đó Kant đã trả lời ba câu hỏi lớn: Ta có thể biết gì? Ta cần phải làm gì? và Ta có thể hi vọng gì?

Đồng thời, công trình „Phê phán“ của Kant cũng có thể coi như là sự phê phán trên phương diện tư tưởng hệ đối với trí tuệ của con người: Một khi tôi không biết đến các điều kiện về khả năng hình thành kinh nghiệm của mình, tôi sẽ có thiên hướng phóng chiếu chúng vào thực tại; bởi vì chẳng hạn từ „Gott“ (Thượng đế) có âm vang gần giống từ „Brot“ (Bánh mì) và cũng được sử dụng tương tự trên phương diện ngữ pháp, tôi sẽ cho rằng Thượng đế cũng là một thực thể hệt như một chiếc bánh mì đen, mặc dù không hề có một kinh nghiệm cảm năng nào xác nhận điều này. Thực ra Kant không nói hoàn toàn như vậy, mà là nhà triết học ngôn ngữ Ludwig Wittgenstein, song Kant đã nghĩ đến một điều gì đó tương tự khi ông nói rằng: Không được đánh đồng các ý tưởng điều hành – tức là những chỉ dẫn để sử dụng trí tuệ – với các ý tưởng tạo dựng, bởi nếu không ta sẽ nhầm tưởng những bóng ma là có thực. Và như Wittgenstein sau này, Kant đã nhìn nhận công trình „Phê phán“ của ông như là công cụ trị liệu đối với một trí tuệ chưa tự nhân chân ra bản chất siêu việt của mình, và do đó mà chưa tự tách biệt khỏi thế giới do nó kiến tạo nên.

Sau bước ngoặt Copernicus này ở Kant, không còn nhà triết học nào có thể hồn nhiên duy trì trạng thái „tiền phê phán“ nữa. Ba tác phẩm „Phê phán“ của Kant chứa đựng những những câu hỏi mà triết học của cả trăm năm sau sẽ còn tiếp tục triển khai. Đặc biệt khái niệm „vật tự nó“ của ông, cái bất khả tri, toả vẻ hấp dẫn của một câu đố không thể nào tìm được lời giải đáp.

Kant đã làm đảo lộn quan niệm của chúng ta về nhận thức. Ngày nay hầu như chẳng còn một ai tin rằng tinh thần phản ánh thế giới. Trên thực tế mọi lí thuyết đáng tin cậy đều mang tính kiến tạo luận: Chúng ta kiến tạo ra thực tại. Ta chỉ có thể nhận biết được những gì phù hợp với mô hình kiến tạo này, chẳng hạn như thính giác của con người chỉ có khả năng thu nhận được một dải tần số âm thanh nhất định chứ không như loài chó còn có thể nghe được cả các siêu âm. Đồng thời từ sau Kant trở đi người ta có thể hình dung rằng ma trận tri thức tuy mang tính siêu việt, song lại cũng phụ thuộc vào những yếu tố khả biến. Những yếu tố này có thể được quy định bởi các điều kiện lịch sử, xã hội, phái tính, môi trường hay văn hoá, hoặc chúng cũng có thể được định hướng bởi những quyền lợi vô thức. Bất luận thế nào đi nữa thì những yếu tố đó cũng không được chúng ta ý thức đến, bởi chúng có trước mọi thứ kinh nghiệm. Đây là khởi điểm cho một bộ môn thi đấu mang tầm cỡ Olympic, môn thi đấu có nội dung tất cả hãy tình nghi tất cả. Bất cứ một ai cũng có thể phát hiện ở kẻ khác những căn nguyên cho thói thiển cận của người đó: Kẻ nọ là tên tư bản, y không thể suy nghĩ gì khác ngoài các khái niệm hướng tới mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận; kẻ kia là một khuôn mẫu WASP điển hình (White Anglo-Saxon Protestant) [*], y không thể nào tư duy khác khác ngoài phạm vi các phạm trù duy lí của nền văn hoá Âu châu và chẳng hề coi việc này có điều gì bất thường. Bằng cách này, người ta có thể phạm tội một cách ngây thơ; con người quả có nhìn nhận thế giới một cách sai lệnh thật nhưng không thể ý thức về điều đó.

Hai thế kỉ sau Kant là thời đại của thói đa nghi tư tưởng hệ. Tuy nhiên trước khi thời đại này có thể khởi đầu, Hegel còn phải là phẳng Kant bằng cỗ máy cán lịch sử của mình.

[*] Tiếng Anh trong nguyên bản: Người da trắng, gốc Ănglô - Xắc xông và theo Đạo Tin lành (Chú thích của người dịch)

Nguồn: Dietrich Schwanitz, Bildung – Alles, was man wissen muß, Wilhelm Goldmann Verlag, München 2002

zalo