Sách Khai Minh - Phụng Sự Nhân Sinh

Muốn mở cửa kinh tế phải mở cửa tư duy

09/10/2021

Tác giả: TS. Nguyễn Sĩ Dũng

Nguồn: Tuổi Trẻ Onilne

Muốn mở cửa kinh tế phải mở cửa tư duy

Chuyến bay đưa người dân Quảng Nam có hoàn cảnh khó khăn về quê - Ảnh: N.T.SỸ

TTO - Muốn mở cửa nền kinh tế, chắc chắn chúng ta cần phải mở cửa tư duy của mình. 'Sống chung an toàn' thì phải tạo điều kiện để tất cả mọi hoạt động kinh tế - xã hội đều có thể được diễn ra trên cơ sở của sự bình thường mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói rõ phải chuyển đổi từ mô hình "zero Covid-19" sang "thích ứng linh hoạt" để "sống chung an toàn" với COVID-19. Mà "sống chung an toàn" thì phải tạo điều kiện để tất cả mọi hoạt động kinh tế - xã hội đều có thể được diễn ra trên cơ sở của sự bình thường mới. 

Rất tiếc, nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều địa phương đã không theo kịp chỉ đạo của Thủ tướng.

Chính vì thế, chương trình mở cửa lại nền kinh tế đang gặp phải muôn vàn khó khăn, ách tắc. Với những ách tắc trong lưu thông hàng hóa, đứt gãy trong các chuỗi cung ứng vật tư, thiết bị và lao động kéo dài như hiện nay, ngay cả khi dịch đã giảm, là lời cảnh báo để chúng ta phải nhanh chóng điều chỉnh.

Chuyện đi lại giữa 5 tỉnh thành Đông Nam Bộ vẫn chưa thống nhất được. Trong lúc đó các tỉnh miền Tây vẫn tổ chức cách ly tràn lan, cho dù Bộ Y tế đã ra văn bản yêu cầu không cách ly tập trung người đã tiêm đủ hai mũi vắc xin. Việc mở cửa đường bay nội địa cũng đã từng ách tắc vì địa phương này đồng ý, còn địa phương khác lại không. 

Rõ ràng chúng ta đang không nhận thức được rằng cứu vãn nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội đã trở thành những vấn đề cấp bách hơn phòng chống dịch rất nhiều lần. Điều này đặc biệt đúng với những địa phương đã có tỉ lệ tiêm chủng cao và rất cao như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng...

Các nước phương Tây coi tỉ lệ tiêm chủng cho người dân đạt 70% là điều kiện quan trọng để trở lại với cuộc sống bình thường mới không phải vì dịch bệnh không còn lây lan nữa, mà là vì dịch bệnh không còn nguy hiểm nữa. 

Với tỉ lệ tiêm chủng đó, hệ thống y tế của họ không còn bị quá tải. Họ có thể chữa trị COVID-19 như bất kỳ một loại bệnh nào khác mà con người thường mắc phải. 

Khi biến thể Delta xuất hiện, vì tốc độ lây lan của dịch bệnh nhanh hơn, nên nhiều nước đã quyết định nâng tỉ lệ tiêm chủng lên 80-90%. Chủ yếu vẫn là để hệ thống y tế của họ không bị quá tải, chứ không phải để đạt được trạng thái zero COVID-19.

Số liệu của Singapore và một số nước khác cho thấy có đến 98% những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin bị nhiễm COVID-19 thì đều có thể tự nhiễm, tự khỏi. Tỉ lệ tử vong của 2% những người phát bệnh có cao đến 5% đi chăng nữa thì số người tử vong vì COVID-19 vẫn có thể được coi là thấp nhất so với bất kỳ loại bệnh tật nào khác. 

Để dễ cảm nhận, ở Việt Nam chúng ta, chỉ riêng trong năm 2020 có đến 122.000 người tử vong vì ung thư, nhiều gấp 6-7 lần những người đã tử vong vì COVID-19.

Vậy thì sự hợp lý của những địa phương có tỉ lệ tiêm chủng cao và rất cao vẫn không chịu mở cửa sân bay, không chịu giảm bớt thủ tục để nền kinh tế có thể được vận hành trở lại nên được hiểu thế nào? 

Hiểu thế nào thì cũng khó có thể chối cãi là chúng ta đang xác lập các ưu tiên có thể sai lầm. Chính vì vậy, muốn mở cửa nền kinh tế, chắc chắn chúng ta cần phải mở cửa tư duy của mình.

Sống chung an toàn với COVID-19 nghĩa là khống chế tỉ lệ phát bệnh (không phải tỉ lệ lây nhiễm) không vượt quá năng lực của ngành y tế. Các biện pháp phòng chống dịch được đề ra và được điều chỉnh là để bảo đảm được sự cân đối này, không phải để tận diệt COVID-19. 

Đời sống kinh tế - xã hội cũng được điều chỉnh để đạt được sự cân đối nói trên, không phải là bị khóa cứng.

zalo