Sách Khai Minh - Phụng Sự Nhân Sinh

Nghiên Cứu Văn Học Việt Nam - Những Khả Năng Và Thách Thức

215.200₫ 269.000₫
Tình trạng: Còn hàng
  • Tác giả: Nhiều Tác Giả
  • Nhà xuất bản: Đại Học Quốc Gia Hà Nội
  • Bìa mềm
  • Thể loại: Nghiên cứu văn học
0971 998 312

Gồm các tiểu luận về nghiên cứu văn học Việt Nam: nhìn nhận lại tiến trình các lý thuyết nước ngoài chủ yếu là phương Tây du nhập vào Việt Nam, hai luồng lí thuyết Pháp, Mỹ, lí thuyết du hành Orientalism ở Đông Á, ngoài ra còn các nghiên cứu nhằm vào đối tượng là văn chương Việt Nam từ thời kỳ cổ trung đại đến hiện đại.

Thách thức vẫn còn nguyên

Dưới cái mũ chung quen thuộc gọi là "nghiên cứu văn học", tập chuyên khảo này đưa vào tiêu điểm mối quan tâm được thảo luận nhiều trong những năm gần đây về "lý luận và phê bình văn học" - trong đó vấn đề tạo nên sắc thái là việc học hỏi và ứng dụng các lý thuyết phương Tây thời hiện đại về văn chương hoặc có hệ quả văn học vào việc nghiên cứu văn học Việt Nam nói chung.

Từ các mô tả kiến lập mô hình tổng thể của "lý luận và phê bình văn học" Việt Nam thời hiện đại trong hai tiểu luận của Trần Đình Sử và Đỗ Lai Thúy, qua các diễn giải có tính phê phán về việc hiểu khái niệm lý thuyết văn học phương Tây hiện đại cùng quá trình du nhập và vận dụng lý thuyết trong hai tiểu luận của Hoàng Lương Xá và Cao Việt Dũng, đến các nghiên cứu cụ thể trên chủ đề phê bình văn học và văn học sử trung đại, nghiên cứu xã hội học một tác giả điển hình, trong các tiểu luận của Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Kim Sơn, Trần Văn Toàn, Phạm Xuân Thạch, Phùng Ngọc Kiên và Trần Ngọc Hiếu, tuyển tập chuyên khảo này đã quả thực trình bày một tấm bản đồ các vấn đề nhạy cảm và nổi cộm của lĩnh vực nghiên cứu và phê bình văn học hiện nay: khu vực khảo sát văn học Việt Nam ở đây có vẻ rất rộng lớn bao trùm, nhưng lại không nói gì đáng kể đến văn chương sáng tác của gần bốn mươi năm từ 1970s đến những năm đầu 2000s; nhấn mạnh vào các việc du nhập lý thuyết khoa học nhân văn - văn học, tìm tòi ứng dụng từ đó một số quan điểm, mô hình lập luận và khái niệm mới, nhưng lại không trình bày một tương liên đáng kể nào với nghiên cứu ngữ văn và ngôn ngữ học, đặc biệt khi các chủ đề văn học sử trung đại hiện nay xuất hiện một số vấn đề về các tác gia kinh điển và văn bản Hán - Nôm.

Tiểu luận mở đầu tập sách, có tính chất đề dẫn, của Trần Đình Sử - Nghiên cứu văn học Việt Nam: Đổi mới như thế nào? - đưa ra một mô thức văn học sử cho chủ đề này, đặt câu hỏi nghiên cứu văn học Việt Nam "đã, đang ở đâu rồi sẽ đi về đâu?".

Đây là một mô tả mang tính chất tự sự, lược thuật biểu đồ phát triển của "nghiên cứu" và "lý luận văn học" "từ đối lập đến hội nhập", điểm danh các nguồn lý luận và các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại từ thập niên 1930s đến thập niên 1990s, lược thuật "sự du hành của lý thuyết phương Tây vào Việt Nam" để đi tới đề nghị "Nghiên cứu văn học trong tầm nhìn của tính hiện đại", trả lời câu hỏi đặt ra từ đầu bằng một nhận định chung rằng "Hệ hình tư duy lý thuyết hiện đại cho phép chúng ta tư duy lại những quan niệm lý thuyết đã có, vượt qua những nhận lầm, bước ra khỏi những huyền thoại,...".

Tuy nhiên, câu chuyện khái lược về lịch sử nghiên cứu này hoàn toàn được đặt trên nền một đại tự sự truyền thống quen thuộc về lịch sử hiện đại nước nhà, qui chiếu từng điểm một về phương diện hành trình tư tưởng trong đại tự sự đó.

Cái nền tảng vững vàng ấy mới là câu trả lời hay gợi ý trả lời thực chất hơn cho vấn đề khuôn khổ status quo trong nghiên cứu "rồi sẽ đi về đâu?".

Mô thức văn học sử biến đổi mạnh mẽ trong trình thuật của Đỗ Lai Thúy - Phê bình văn học Việt Nam - nhìn nghiêng từ phương pháp.

Tiểu luận này giới thuyết chặt chẽ chỉ lược khảo một biên niên các phương pháp phê bình khảo cứu và chỉ tập trung vào một số tác phẩm phê bình học thuật đã được nhìn nhận là "tiêu biểu".

Luôn luôn chú ý đặt các sự kiện vào những bối cảnh được mô tả toàn diện súc tích và sinh động một cách định hướng, trình thuật này lần lượt kể đến các phương pháp: phê bình ấn tượng chủ nghĩa với Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh; phê bình tiểu sử học với Hàn Mặc Tử của Trần Thanh Mại; phê bình văn hóa - lịch sử với Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Du và Truyện Kiều của Nguyễn Bách KhoaTrương Tửu; phê bình xã hội học với Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ của Trương Tửu, Bàn về những cuộc đấu tranh tư tưởng trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại 1930 - 1954 của Vũ Đức Phúc, Phong trào Thơ Mới 1932 - 1945 của Phan Cự Đệ, Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du của Lê Đình Kỵ, Thơ và mấy vấn đề thơ Việt Nam của Hà Minh Đức, Nhà văn Việt Nam của Hà Minh Đức và Phan Cự Đệ; phê bình phong cách học với Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong "Truyện Kiều" của Phan Ngọc, Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực của Đỗ Lai Thúy; phê bình thi pháp học với Thi pháp thơ Tố Hữu và Thi pháp Truyện Kiều của Trần Đình Sử, Thi pháp hiện đại của Đỗ Đức Hiển; phê bình phân tâm học với Hồ Xuân Hương: tác phẩm, thân thế và văn tài của Nguyễn Văn Hanh, Kinh Thi Việt Nam của Trương Tửu, Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực của Đỗ Lai Thúy.

Tấm bản đồ lộ trình độc đáo này, có tỉ lệ xích lớn bởi rất nhiều chi tiết, quả có tính gợi ý cao và một trong những điều đó là: phê hình học thuật nước nhà từ trước tới nay có ít tác phẩm sáng tạo quá.

 

Và một "lỗ hổng cấu trúc" (-Phùng Ngọc Kiên, Phạm Xuân Thạch- trong tập sách này) chết người được nói rõ ở tiểu luận này trong phần nhận xét về cái có thể coi như một phong trào đi theo phê bình thi pháp học:

"Chỉ trong một thời gian ngắn phương pháp phê bình này đã đi vào nhà trường qua các luận văn cao học và luận án tiến sĩ. Nhưng mặt trái của tấm huy chương này là thi pháp học nhanh chóng trở thành thời thượng. Và thời thượng thì bao giờ cũng có tính chất phong trào, nông nổi. Hơn nữa, từ thế hệ F2 trở đi, những người làm phê bình thi pháp học ít khi tự mình hành hương về cội nguồn, bản nguyên, mà chỉ thuần túy sử dụng lại những thành công (đôi khi cả nhược điểm) của thế hệ F1, nên dễ thành hời hợt, không sáng tạo".

Các lối hoán dụ "thế hệ F2, F1" và "hành hương về cội nguồn, bản nguyên" nói lên rằng cái học thuật đó đã mang tính lai tạo lại không được trau dồi, trở nên mất căn bản.

Cái "lỗ hổng cấu trúc" đó còn hơn là một thứ "lỗ hổng": đó là sự chểnh mảng hay yếu kém của bản thân việc nghiên cứu và do đó không tạo nên được bối cảnh tri thức cần thiết để có thể vận hành các mô hình, các phương pháp, thậm chí ngay cả việc ứng dụng một điểm nhìn mới dù chỉ ở mức quan sát ban đầu đối với thực tại, đối tượng nghiên cứu - phê bình.

Nhưng cái "lỗ hổng" còn là một "không gian tiềm năng" (-Phùng Ngọc Kiên, Phạm Xuân Thạch) theo đó một bối cảnh tri thức nhất định sẽ được đưa vào như một ý niệm tiền đề cho phép ứng dụng một khái niệm mới, một khái niệm làm việc định hình lại đối tượng nghiên cứu - phê bình.

Tiểu luận Diễn ngôn về tính dục trong văn xuôi hư cấu Việt Nam (từ đầu thế kỷ XX đến 1945) của Trần Văn Toàn đã sử dụng khái niệm "diễn ngôn/diễn ngôn văn học/diễn ngôn về tính dục" dựa theo Michel Foncault để định hình lại quan niệm theo cảm nhận thông thường về văn học đề tài tính dục.

Đây là bài nghiên cứu hiếm hoi trong tập sách này có ý hướng tới một chủ đề nhạy cảm và tranh cãi trong văn chương đương thời: chủ đề văn chương tính dục.

Các phân tích diễn giải về những tác phẩm văn học được lựa chọn đưa vào đây tỏ ra quá hoàn hảo: một sự trùng khít giữa cái khuôn rút ra từ lý thuyết và đối tượng khảo sát (như với các tiểu thuyết Lạnh lùngGiông tố, truyện Chí Phèo, v.v.).

 

Các phân tích đó định hình lại những mô tả hành vi tính dục trong văn chương buổi đầu quốc ngữ và trong văn xuôi của văn học Việt Nam hiện đại như là những "diễn ngôn giai cấp về tính dục, diễn ngôn về cái tôi cá nhân, có tính dân chủ hóa, v.v." - và như vậy, với thấp thoáng ảnh hưởng từ nữ quyền luận, cố gắng định hình lại quan niệm về văn chương như là một tri thức.

Trần Đình Sử trong tiểu luận mở đầu ở đây có nhận xét rằng khái niệm "diễn ngôn" trong tiểu luận này của Trần Văn Toàn chưa được định nghĩa thích đáng.

Tuy nhiên điều cần thiết có lẽ là một bối cảnh tri thức cần được kiến lập, mà trên đó khái niệm có được địa vị của nó.

Tinh thần "khảo cổ học tri thức" của Foucault mà Trần Văn Toàn đưa vào đây đòi hỏi quan niệm về ngôn ngữ với tư cách một tri thức trong các tri thức hiện đại. Nhưng cái địa vị đó vẫn chưa quan niệm được trong một bối cảnh tri thức tản mát như Đỗ Lai Thúy đã gợi ý (ở đây trước hết là các tri thức xã hội - nhân văn).

Hẳn là cần kiến lập bối cảnh đó trước khi giúp cho người ta quan niệm các biểu đạt ngôn từ về chủ đề tính dục như là một "diễn ngôn về tính dục", đặc biệt trong các liên hệ với "diễn ngôn về quyền lực"; bởi lẽ lại còn cần phải quan niệm được những nguồn và đặc tính của khái niệm "quyền lực"/"diễn ngôn quyền lực" từ trước đó nữa, nếu không rất có thể xảy ra sự hiểu không trọn vẹn về sự kiện "Văn học là một diễn ngôn trong hệ thống các diễn ngôn xã hội" (-Trần Văn Toàn).

Chủ điểm về một bối cảnh tri thức được gợi ý mạnh mẽ trong Lý thuyết du hành và Orientalism ở Đông Á của Hoàng Lương Xá và Vài khác biệt trong cách nhìn lý thuyết văn học theo "kiểu Pháp" và "kiểu Mỹ" của Cao Việt Dũng.

Lược đồ khảo sát "Đông Phương học"/ "Orientalism" (-Hoàng Lương Xá, Edward Said) đi theo lược đồ của bản thân học thuyết như nó mô tả: xuất phát từ khảo sát hiện tượng sai biệt của một lý thuyết khi "du hành" từ nơi khai sinh lý thuyết ấy đến một nơi tiếp nhận khác biệt, để đi tới chỗ phê bình lý thuyết và xác định các phạm vi diễn giải, khả năng diễn giải đối với lý thuyết, và tất nhiên đến chỗ phê bình/diễn giải các tư tưởng nguồn cội của nó, phê bình bản thân việc diễn giải như là sự mở ra của lý thuyết trong một không gian - thời gian khác.

"Trong Đông Phương học, Said muốn dùng phê bình nhân văn (humanistic critique) để công khai đấu tranh phá hủy những gông cùm của tư duy, tiến đến thông hiểu và công khai thực sự. Hơn nữa chủ nghĩa nhân văn được duy trì bởi ý thức cộng đồng giữa những người diễn giải thuộc các xã hội và thời đại khác nhau" (-Hoàng Lương Xá).

 

Như vậy, chủ nghĩa nhân văn - cái đích tư tưởng đó- không hề đơn giản là một "chủ nghĩa nhân văn" đã biết và bất biến. Đặt nó vào một vận động "duy trì" trong "cộng đồng những người diễn giải" tức là làm sinh động thường xuyên mối quan hệ qui định tương hỗ giữa việc diễn giải và việc hiểu biết đối tượng của diễn giải đó; và, một cách linh hoạt, việc hiểu biết về đối tượng diễn giải gắn với một bối cảnh tri thức mà theo đó một lý thuyết có thể thực sự "du hành".

Hiện tượng "du hành" của lý thuyết điển hình trong khảo sát của Cao Việt Dũng về "kiểu Pháp" và "kiểu Mỹ" (-Cao Việt Dũng).

Tiểu luận này chọn một điểm khởi đầu khảo sát mang tính sác xuất thống kê - không thể coi đó là ngẫu nhiên được - một cuốn Hướng dẫn về lý thuyết văn học của tác giả Gregory Castle, "thuộc vào mấy dạng sách điển hình trong ngành nghiên cứu lý thuyết văn học "trường phái Anh - Mỹ"" (-Cao Việt Dũng).

Và những đặc điểm chuyển dịch bởi "du hành" đã được chỉ ra ngay; chẳng hạn "Một nhận xét cần thiết khác là trong số 11 (12) lý thuyết gia người Pháp có tên ở đây (-trong cuốn Hướng dẫn.../người viết chú), chỉ Roland Barthes có thể coi là một người có phạm vi quan tâm chủ yếu nằm trong văn học (một phần ở Hélène Cixous và Julia Kristeva), những người khá hay được nhắc đến dưới các danh hiệu khác hơn, như "nhà triết học" hoặc "nhà phân tâm học"" (-Cao Việt Dũng).

Sự tiếp nhận "lý thuyết Pháp" ở Mỹ (và ngược lại) như được xem xét trong tiểu luận này cho thấy những khác biệt rõ ràng là đáng kể trong các bối cảnh tri thức mà đôi khi ta cứ coi như đồng nhất, gói trong một ý niệm khá mơ hồ là "phương Tây".

Tuy nhiên khác biệt nhiều khi cũng chỉ ở phạm vi các nhịp mạnh trong diễn giải: đưa các lý thuyết thuộc lĩnh vực triết học hay phân tâm học vào ưu tiên của lý thuyết văn học dựa trên những yếu tố thông hiểu cơ hữu lẫn nhau về một số khái niệm khởi đầu hay nền tảng.

Điều quan trọng hơn,như khảo sát này cho thấy, là khác biệt đó giúp ta hiểu rõ hơn cái bối cảnh tri thức mà khi tiếp nhận các lý thuyết "du hành" ta có thể cảm nhận không chính xác rằng ta cũng ở vào cái bối cảnh xuất phát của chúng.

 

Cái nhìn đăm đăm của các lý thuyết gia Mỹ vào "kích thước lịch sử" (-Cao Việt Dũng) của các trào lưu lý thuyết làm bật ra tiền tố "hậu" ("hiện đại", chẳng hạn!) không nên bị giản lược hóa thêm một lần nữa như là một sự "cắt đứt" hay "đảo ngược" hay "trở về" hay "đa dạng" bừa bãi nào đó. "Không giống như hậu tố "-ism" khái quát hóa, nâng cấp, tạo thành các "chủ nghĩa", tiền tố "post-", ở đây cần nhấn mạnh một lần nữa, ngoài hàm ý lịch sử còn có thể hiểu là một sự phê phán hoặc suy tư về cái từng có" (-Cao Việt Dũng).

Nhịp mạnh của diễn giải về lý thuyết có thể coi là cái phê phán và suy tư đó. Bởi ta tham gia vào một bối cảnh tri thức chung khi tiếp nhận, hoặc nói như Hoàng Lương Xá (đã dẫn), là tham gia vào một cộng đồng diễn giải (điều này có màu sắc lý tưởng) thì rõ ràng cần hiểu biết về đối tượng diễn giải.

Ở điểm này, xin trở lại với tấm bản đồ sáng giá của Đỗ Lai Thúy về một lộ trình lịch sử các phương pháp phê bình văn học trong văn học hiện đại nước nhà.

Nhưng chưa thấy được ở đó những mô tả cụ thể về các phương pháp, với những đặc thù rõ rệt đến mức đã trở nên là phương pháp chứ không chỉ là một vận dụng có tính thời điểm hay trải rộng trong một trào lưu ngắn hạn, "thời thượng". Bởi, rất có thể,như chính Đỗ Lai Thúy đã chỉ ra, trong việc đan xen các yếu tố thì chẳng hạn phê bình xã hội học và phê bình lịch sử - văn hóa chia sẻ cùng một phương pháp khảo sát căn bản.

Tiểu luận sắc sảo Nghiên cứu xã hội học về trường hợp Trần Dần của Phùng Ngọc Kiên là thí dụ đáng kể về phương pháp.

Cũng sử dụng đến lý thuyết "trường" của Pierre Bourdieu, Phạm Xuân Thạch trong tập sách này - tiểu luận Ba thập niên đầu thế kỷ XX và sự hình thành trường văn học ở Việt Nam - khai triển một đối chiếu những tương đồng lý thuyết với thực tiễn văn học sử, còn Phùng Ngọc Kiên sử dụng các bước phân tích đối tượng diễn giải và qui nạp thành nội hàm cụ thể cho khái niệm lý thuyết có trước tương đương, có thể nói là trong chừng mực đáng kể đã tái định hình mỗi khái niệm đó bằng sức sống đặc thù cũng như những đặc điểm riêng có của, và từ, đối tượng diễn giải.

Vấn đề về phương pháp thực tế là rộng lớn hơn và là một trong những thách thức chính yếu cho những "khả năng" của "Nghiên cứu văn học Việt Nam". Lộ trình các phương pháp phê bình văn học trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại mà Đỗ Lai Thúy vạch ra gợi ý chính cái thách thức đó: "luận về phương pháp" nào cho nghiên cứu - phê bình văn học để nhìn nhận toàn bộ đời sống văn chương bốn mươi năm đầy sôi động, đầy biến cố ;hay không? Ở đây, trong tuyển tập này, dường như ta mới chỉ chạm đến một phần nhỏ của văn học Việt Nam hiện đại./.

(Đọc "Nghiên cứu văn học Việt Nam - Những khả năng và thách thức", tuyển tập chuyên khảo do Viện Harvard - Yenching tài trợ, Nxb Thế giới, 2009)

Nguyễn Chí Hoan

Bước 1: Truy cập website và lựa chọn sản phẩm cần mua để mua hàng

Bước 2: Click và sản phẩm muốn mua, màn hình hiển thị ra pop up với các lựa chọn sau

Nếu bạn muốn tiếp tục mua hàng: Bấm vào phần tiếp tục mua hàng để lựa chọn thêm sản phẩm vào giỏ hàng

Nếu bạn muốn xem giỏ hàng để cập nhật sản phẩm: Bấm vào xem giỏ hàng

Nếu bạn muốn đặt hàng và thanh toán cho sản phẩm này vui lòng bấm vào: Đặt hàng và thanh toán

Bước 3: Lựa chọn thông tin tài khoản thanh toán

Nếu bạn đã có tài khoản vui lòng nhập thông tin tên đăng nhập là email và mật khẩu vào mục đã có tài khoản trên hệ thống

Nếu bạn chưa có tài khoản và muốn đăng ký tài khoản vui lòng điền các thông tin cá nhân để tiếp tục đăng ký tài khoản. Khi có tài khoản bạn sẽ dễ dàng theo dõi được đơn hàng của mình

Nếu bạn muốn mua hàng mà không cần tài khoản vui lòng nhấp chuột vào mục đặt hàng không cần tài khoản

Bước 4: Điền các thông tin của bạn để nhận đơn hàng, lựa chọn hình thức thanh toán và vận chuyển cho đơn hàng của mình

Bước 5: Xem lại thông tin đặt hàng, điền chú thích và gửi đơn hàng

Sau khi nhận được đơn hàng bạn gửi chúng tôi sẽ liên hệ bằng cách gọi điện lại để xác nhận lại đơn hàng và địa chỉ của bạn.

Trân trọng cảm ơn.

zalo