Sách Khai Minh - Phụng Sự Nhân Sinh

SARTRE VỚI HIỆN TƯỢNG HỌC NGHỆ THUẬT

21/12/2020

SARTRE VỚI HIỆN TƯỢNG HỌC NGHỆ THUẬT

 

(Dương Thắng trích dịch từ cuốn : La Lecture de L’ART của Jean-Luc Chalumeau. NXB Klincksieck. Paris.)

1. Trong phần thứ nhất của tác phẩm L’Imaginaire – “Structure intentionnelle de l’image” ( Tưởng tượng- Cấu trúc ý hướng của hình ảnh) , Jean-Paul Sartre đã đề xuất một cách phân tích hiện tượng luận mới . Có nghĩa là ở đây Sartre quan tâm đến nội dung ( các hiện tượng) của ý thức , ý thức trong trường hợp này là ý thức hướng tới các tác phẩm hội họa.

Ví dụ với một ký họa đơn giản về một người đàn ông đang chạy, một phác thảo đơn giản bằng vài nét bút sắt, thế nhưng mỗi chúng ta đều nhìn thấy từ bức ký họa này rất nhiều thứ phong phú gấp bội lần những thứ mà bức ký họa đã biểu lộ trên thực tế.

“ Thông qua những nét bút mầu đen đơn giản đó, chúng ta không chỉ xem / ngắm một hình bóng, chúng ta đang nhìn thấy một người đàn ông hoàn chỉnh, tập trung ở đó tất cả các phẩm chất không có sự dị biệt. Nếu tách riêng ra, những nét bút mầu đen này không biểu lộ một cái gì hết, ngoài một vài mối tương quan về cấu trúc và tư thế. Nhưng chỉ cần có một khái niệm về sự biểu đạt là đủ để các hiểu biết lấp đầy chúng, đưa đến cho chúng ta một hình ảnh sâu hơn nhiều so với bức tranh hai chiều này ”

2. Nói ngắn gọn, cái đã tạo ra hình ảnh và lấp đầy sự thiếu hụt của tri giác , đó chính là ý hướng tính. Ý thức vì thế không hoàn toàn trống rỗng khi nó đang “ trực giác”, nó chứa đựng đầy ắp những hiểu biết và “ vỡ òa” lên trên các bức tranh. Ý thức đang chứa đựng một thứ ý hướng đang chảy ngầm bên dưới và chờ đợi một mối tương quan tri giác được để có thể hiển lộ lên trên bề mặt. Một sự diễn đạt nào đó , dẫu có là mảnh mai hay yếu ớt, cũng có khả năng khởi phát một chuỗi các hình ảnh.

Tất cả nghệ thuật tạo hình ( ví dụ những bức tranh biếm họa) chú trọng vào việc chọn các nét và phối hợp chúng trong sự phụ thuộc vào các chuyển động của những cặp mắt có khả năng hướng tới những bức tranh này và giải mã chúng. Đối với họ, những hình ảnh trong đầu đã dẫn dắt họ tới một cảm xúc đơn giản của bức tranh được vẽ ra. Cuối cùng, đó chính là người xem đã tạo ra hình ảnh.Người nghệ sĩ chỉ làm một việc là trao cho họ các chất liệu của sự sáng tạo.

“ Tôi biết rằng tôi đã tạo ra những hình ảnh theo cái cách mà ở mỗi thời điểm chúng ta nhìn chúng, các yếu tố tiêu biểu trong ý thức về một tác phẩm hội họa, đã không còn là các nét vẽ nữa, chúng là những chuyển động đã hắt những cái bóng của mình lên những nét vẽ này. Điều đó giải thích vì sao chúng ta đã có thể kết nối rất nhiều các sự vật với một bức tranh mà chất liệu hay cách diễn đạt của nó đôi khi rất nghèo nàn. Trên thực tế, sự hiểu biết của chúng ta không thu nhận trực tiếp từ những nét bút vẽ này.Những nét bút vẽ đó, bản thân chúng cũng không biết cất tiếng. Hiểu biết của chúng ta được thu nhận qua vai trò trung gian của các hình ảnh. Ở một phía khác, một nét vẽ duy nhất cũng có thể mô tả hay chứa đựng rất nhiều chuyển động trong nó. Chính vì thế một nét vẽ có thể mang theo rất nhiều ý nghĩa và có thể thăng hoa như một chất liệu đại diện cho vô số các cảm xúc sâu sắc về đối tượng xuất hiện trong bức họa. Một chuyển động cũng có thể mang tới những hiểu biết rất khác nhau. Nói cho cùng những nét vẽ cũng chỉ là một giá đỡ , một bệ phóng hay một chất liệu của cảm xúc và hiểu biết”

3. Những ví dụ trên đã chứng minh cho sự tồn tại hiển nhiên của khái niệm hình ảnh - giá đỡ hay hình ảnh -trung chuyển ( image-support hay image – relais) , đó là bệ đỡ hay vật trung chuyển cho một hình ảnh trong trí não , không có thật, một hình ảnh tưởng tượng bao trùm lên hình ảnh thực và giầu có hơn rất nhiều so với cái hình ảnh thực được thể hiện cụ thể bằng các chất liệu vật chất. Cái chất liệu vật chất mang chức năng bệ đỡ và truyền tải của một hình ảnh phi vật chất được Sartre đặt tên là một analogon.

“Nếu như không thể tạo ra tức thời trong trí não tôi một hình ảnh ( ví dụ như hình ảnh của “ Pierre bạn tôi”), tôi sẽ cần đến sự trợ giúp của một bức ảnh hay một bức trang chân dung, như một sự thay thế tương đương của một hình ảnh đáng ra phải xuất hiện trong trí não. Tôi sẽ nói rằng bức ảnh ( vật chất) đó là một analogon của cảm xúc trong tôi. Bức ảnh vật chất này mang một bản chất kép đối với ý thức của tôi: bức ảnh hay bức tranh này có thể dẫn dắt ý thức của tôi về việc quan sát chất liệu của nó ( bức ảnh bị nhầu , bị gập hay nét vẽ bị nhòe v.v.) , và tôi không nghĩ về những thứ đó nữa khi mà quan niệm rằng bức hình này chỉ có chức năng duy nhất là giới thiệu về Pierre, khi đó tôi sẽ lãng quên hoàn toàn khía cạnh vật chất của hình ảnh – giá đỡ này”.

Như vậy là đã có hai loại ý thức : loại thứ nhất đó là một ý thức về đối tượng vật chất như là chính nó , đó là ý thức tri giác hay ý thức cảm nhận, loại thứ hai là ý thức về đối tượng vật chất khi nó đã rời xa hay thoát ly một phần hoặc toàn bộ những yếu tố vật chất của nó , đó là ý thức được hình ảnh hóa, phi thực.

Chúng ta hiểu rằng mọi đối tượng chúng ta nhìn thấy đều có thể được nhìn nhận như một thực tể đang tồn tại hay một hình ảnh. Trường hợp duy nhất mà người ta có thể cô lập và nghiên cứu một cách riêng rẽ các hình ảnh trong trí não , các đối tượng tưởng tượng ( cô lập với đối tượng vật chất thực đang tồn tại) đó là đối với các tác phẩm nghệ thuật.

Đó không phải là đối tượng mà là một dạng ý thức , từ tác phẩm nghệ thuật đã sản sinh ra một “hiện thực” hay một “ cái đẹp”, nó xác định thế giới tưởng tượng như là một thế giới thực, nói cho cùng , đó là một thái độ của ý thức. Cần nhấn mạnh rằng trong mọi trường hợp, tất cả những điều đó có khả năng xẩy ra hay không là phụ thuộc vào thái độ và tư thế của người chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật , phụ thuộc vào khả năng chuyển đổi từ vai trò của một người đến xem tranh ( thụ động) với ý thức chuyên chú vào cảm nhận và hưởng thụ chuyển thành vai trò một người mộng tưởng và tham gia cùng sáng tạo. Chính vì thế việc di chuyển các đối tượng đi khỏi các nơi chốn quen thuộc để đặt vào các không gian “siêu thực” như galerie nghệ thuât hay bảo tàng (giống như cách Duchamp đã làm) luôn tạo ra những hiệu quả tích cực.

4. Cái thực của một bức tranh không phải là cái Đẹp. Theo Sartre, cái Đẹp là một thứ không biết cách giao nộp mình cho những tri giác, là thứ mang một bản chất hoàn toàn cô lập với vũ trụ. Đó là một thứ gì đó đã thoát ra ngoài sự cầm tù của những giới hạn rành buộc bằng vật chất của một bức tranh hay một tác phẩm điêu khắc. Mục đích của người nghệ sĩ là tạo một tập hợp các sắc thái “thực” để giúp cho cái “không thực” này hiển lộ ra. Bức tranh sẽ được xem như là môt nơi chốn vật chất được thăm viếng, mỗi lần người xem sẽ trao mình cho một trạng thái tưởng tượng nhờ vào một ý niệm không thực, gợi ra từ đối tượng được vẽ.

 
zalo