Sách Khai Minh - Phụng Sự Nhân Sinh

Xây Ở Suy Tư - Bùi Văn Nam Sơn

28/10/2021

Tác giả: Bùi Văn Nam Sơn

Nguồn: Văn hóa Nghệ An

Xây Ở Suy Tư - Bùi Văn Nam Sơn

 

Ấn bản cao cấp S100 Vật, Xây ở suy tư, Tồn tại và Thời gian

1.      Ta xây để ở. Xây là phương tiện, ở là mục đích. Nhưng, nếu ta đơn giản chấp nhận sơ đồ phương tiện-mục đích mà không "suy tư" gì thêm, ta đã khóa chặt tầm nhìn về mối quan hệ căn cơ giữa xây và ở. Bởi, xây không đơn thuần là một phương tiện để tiến đến việc ở: xây, tự nó đã là ở. Sao thế?

2.      Trong tiếng Việt, "xây" và "ở" có cùng nguồn cội không, xin để các nhà ngôn ngữ học trả lời. Nhưng, trong tiếng Anh cổ và tiếng Đức cổ, xây là buan, có nghĩa là "ở"! "Ở" không phải là một việc làm như ăn, uống, nói năng, đi lại, lao động. Ta có thể "ở" mọi nơi, nếu hiểu ở như là "ở trong nhà của chính mình", ngay cả khi đó không phải là nơi dành cho cư trú. Người sinh viên xem thư viện, người công nhân xem xưởng máy, người thầy thuốc xem phòng mạch "như nhà của chính mình", nơi họ sống thật và sống trọn vẹn. Hãy thử xem việc "ở" còn vươn rộng đến đâu. Thưa, buan, bhu, beo, bauen đều là từ bin trong tiếng Đức như trong ich bin, du bist... tôi là, bạn là... Vậy, "tôi là", "bạn là" cũng có nghĩa "tôi ở", "bạn ở". Thể điệu mà bạn là và tôi là, tức "tồn tại" trên mặt đất là buan: ở. Từ cổ buan còn có nghĩa: trìu mến và chở che, bảo toàn và chăm sóc. Đó cũng chính là nghĩa của "xây", theo hai cung cách: vun trồng, canh tác (colere, cultura) và xây dựng nên những tòa ngang dãy dọc (aedificare). Ý nghĩa của việc "ở" lùi lại đàng sau các hoạt động vun trồng và xây cất. Khi cả hai nổi lên trên bề mặt và dành độc quyền về chữ "xây", ý nghĩa thực sự của "ở" và "là" bị rơi vào quên lãng. Việc "ở" đã không còn được "suy tư" như là tính cách cơ bản của con người nữa.

3.      Vậy, ta không ở vì ta đã xây, trái lại, ta xây và đã xây bởi vì ta ở, và, bởi vì ta là "những kẻ ở". Thế nhưng, bản chất của việc ở là gì? Lại xin lắng nghe ngôn ngữ. Từ Saxon cổ Wuon, từ Gotic wunian, cũng giống như từ cổ bauen, có nghĩa là ở, cư lưu. Nhưng, từ Goticwunian còn nói rõ ràng hơn việc cư lưu này được trải nghiệm như thế nào. Wunian muốn nói: sống bình an, được bình an, mãi bình an. Từ Friede cho "hòa bình", "bình an" có nghĩa là "giải thoát", là das Frye; và fry có nghĩa là "miễn trừ": không chỉ là không gây hại mà còn có nghĩa tích cực: để cho cái gì đó ở yên trong bản chất của riêng nó, ở yên bên trong miếng đất tự do. Đặc tính cơ bản của việc Ở là sự miễn trừ và sự bảo toàn này. Phạm vi của nó sẽ phơi mở cho ta khi ta suy tư rằng việc làm người là ở trong việc ở.

4.      Ta ở đâu? Ở trên mặt đất! Ở trên mặt đất cũng là ở dưới bầu trời, đối diện với thần linh và cùng với đồng loại. Nhờ một nhất thể sơ nguyên, cái Bốn này - mặt đất và bầu trời, thần linh và con người khả tử - cùng thuộc về nhau trong nhất thể,

5.      Sống trong cái Bốn là ở, cư lưu. Nếu ở là miễn trừ, bảo toàn, thì ở chính là bảo toàn cái Bốn trong bản chất của nó, trong sự hiện diện của nó. Bảo toàn việc ở, do đó, có bốn mặt.

6.      Ở trên mặt đất là "cứu vớt" trái đất. Cứu vớt không chỉ là kéo giật cái gì đó ra khỏi hiểm nguy, mà chủ yếu là để cho nó tự do hiện diện. Cứu vớt trái đất không phải là làm chủ và khuất phục, bởi việc ấy chỉ còn cách sự cướp bóc, tàn phá đến kiệt quệ một bước nhỏ mà thôi. Sống trên mặt đất là trải nghiệm sự đa dạng và khả biến của không gian.

7.      Ở dưới bầu trời là đón nhận bầu trời như là bầu trời. Để yên cho mặt trời mặt trăng đi trọn vòng ngày, cho sao trời lấp lánh, cho bốn mùa hiền hòa và dữ dội, không biến đêm thành ngày, không biến ngày thành cảnh bất an phiền muộn. Sống dưới bầu trời là trải nghiệm sự thường hằng của không gian, những vòng tuần hoàn nằm ngoài sự kiểm soát của ta.

8.      Ở là ngóng đợi thần linh như là thần linh của lòng lạc quan, hy vọng. Là không biến những vị thần của mình thành của riêng mình và không sùng bái ngẫu tượng. Trong đáy sâu của vận rủi, ta chờ đợi vết roi sẽ được cất đi. Ngóng đợi thần linh là trải nghiệm sự thường hằng của thời gian và những giá trị vĩnh cửu.

9.      Ở là khởi động bản chất của mình, tức năng lực chết của con người khả tử đúng như là chết, một cái chết an lành. Tuyệt nhiên không phải là biến cái chết thành mục đích, làm u tối việc ở bằng cách mù quáng hướng đến sự cáo chung. Con người khả tử là biết chọn cách sống và cách chết (như Socrates!), trải nghiệm sự hữu hạn và biến dịch của kiếp người trong thời gian.

10.     Nếu việc ở là bảo toàn cái Bốn, vậy con người bảo toàn cái Bốn ở đâu, cùng với cái gì? Ở nơi "vật" và cùng với "vật". Không phải là thêm cái thứ năm vào cho cái Bốn, mà bằng cách mang sự hiện diện của cái Bốn vào trong vật. Đó là vun trồng, nuôi dưỡng những vật tự sinh trưởng như cỏ cây, thú vật và xây dựng nên những công trình không tự sinh trưởng như nhà cửa, xóm thôn, đô thị, kết cấu hạ tầng.Vun trồng và xây cất là việc "xây" theo nghĩa hẹp. Còn ở hay cư lưu khi biết giữ gìn, bảo toàn cho cái Bốn trong vật, mới là việc xây đúng nghĩa.

11.     Hãy thử suy ngẫm về một chiếc cầu (hay công trình xây dựng nào khác cũng được). Chiếc cầu không chỉ nối kết đôi bờ đã có sẵn. Trái lại, đôi bờ chỉ xuất hiện ra như là đôi bờ khi có chiếc cầu bắt ngang. Chiếc cầu mang dòng sông, hai bờ và hai vùng đất lại gần gủi với nhau. Chiếc cầu "tập hợp" Đất thành phong cảnh chung quanh dòng sông, "tạo chút niềm thân mật", không để "bờ xanh tiếp bãi vàng".

12.     Chiếc cầu không phải là một vật vô hồn của đất đá vô tri ( như cách hiểu quá nghèo nàn quen thuộc của chúng ta) mà là một "vật" có thể điệu của riêng nó, vì nó tập hợp cái Bốn. "Vật" là "tập hợp", như nguyên nghĩa của một từ cổ nữa: "thing", còn vang vọng trong tiếng Anh ngày nay. Từ một "chỗ" đơn thuần trong không gian toán học có thể đo đạc, "phân lô", đổi chác, bất kỳ lúc nào cũng có thể thay thế bằng một cái gì khác, chiếc cầu là một vật, tập hợp cái Bốn, nhưng tập hợp theo nghĩa là dành cho cái Bốn một "chốn". Từ những chỗ, ta chỉ có một "chốn" duy nhất để trở thành "nơi" (hò hẹn!) là nhờ có chiếc cầu. Như thế, không phải chiếc cầu đến đứng ở một "nơi" có sẵn, trái lại, nhờ chiếc cầu mà "nơi" ấy mới sinh ra. Những không gian được ta thích thú lui tới hàng ngày do đâu mang lại? Do những "nơi"! Quan hệ của con người với những "nơi chốn" và qua "nơi chốn" đến những không gian đều đặt nền móng trên việc Ở. Quan hệ của con người với không gian không gì khác hơn là việc "ở", được "suy tư" một cách căn cơ.

13.     Vâng, chiếc cầu là một "vật" thuộc loại ấy. Chiếc cầu - như là "nơi"- để cho cái Nhất thể của Đất và Bầu Trời, Thần linh và Con người đi vào một "chốn" bằng cách sắp đặt "chốn" thành những "nơi". "Nơi" dành không gian cho cái Bốn theo hai nghĩa: chấp thuận và thiết lập cái Bốn. Những "vật" - như là những "nơi" như thế - chở che, đùm bọc cuộc sống của con người. Chúng là những mái nhà, dù không nhất thiết là những nơi cư ngụ theo nghĩa hẹp.

14.     "Xây" đón nhận sự chỉ dẫn cho việc thiết lập nên những "nơi" cho nó. Từ cái Bốn, "xây" tiếp thu chuẩn mực cho mọi việc sắp xếp và đo đạc những không gian. Những công trình xây dựng, theo nghĩa ấy, canh giữ cái Bốn. Bảo toàn cái Bốn, cứu vãn mặt đất, đón nhận bầu trời, ngóng chờ thần linh, bảo hộ con người là sự hiện diện của việc "ở".

15.     Xây, như thế, đích thực là sự mời gọi việc ở. Mọi sự quy hoạch luôn đặt nền trên sự đáp lời này, và việc quy hoạch, đến lượt nó, mở ra cho nhà thiết kế những khuôn thước thích hợp cho những thiết kế của mình.

16.     Bản chất của việc xây dựng là làm cho một cái gì đó xuất hiện ra. Bởi, xây mang cái Bốn vào trong vật, chẳng hạn, chiếc cầu, và làm cho vật đi đến chỗ xuất hiện ra như một "nơi" từ cái gì đã có đó, tức làm cho xuất hiện không gian mà bây giờ chính cái "nơi" này tạo ra.

17.     Chỉ khi ta có thể "ở" thì ta mới có thể "xây". Nghĩ đến ngôi nhà ba gian hai chái ấm cúng ở nông thôn hay căn nhà ống bí bách ở đô thị, ta thấy việc ở đã phải như thế nào mới có thể xây lên như thế. Thiết tưởng đủ bổ ích khi việc ở và việc xây đã trở nên thật đáng tra hỏi và mãi mãi thật đáng suy tư.

18.     Nhưng, suy tư cũng thuộc về ở không khác gì việc xây. Tuy nhiên, cả hai, xây và suy tư, vẫn không đủ cho việc ở, nếu xây một đàng, nghĩ một nẻo, thay vì biết lắng nghe nhau. Xây và suy tư chỉ có thể lắng nghe nhau, nếu cả hai đều thuộc về việc ở; nếu chúng biết rõ giới hạn của mình và cần đến nhau.

19.     Cảnh ngộ khốn khổ thực sự của việc ở không chỉ nằm đơn thuần trong việc thiếu nhà, mất nhà. Cảnh "không nhà" thực sự khốn khổ là ở chỗ không hoặc chưa từng tìm trở lại bản chất của việc ở, ở chỗ ta phải học ở trước đã. Nó là lời hiệu triệu duy nhất kêu gọi con người đi vào trong việc ở của mình, trước khi ra tay quy hoạch và đập phá. Con người lắng nghe tiếng gọi ấy khi "xây" từ việc ở, và khi suy tư vì việc ở. Đó là lý do nhan đề bài viết "Xây Ở Suy Tư" không cần dấu nối, càng không nên có dấu phẩy.

20.     Trở lên là tóm lược đôi nét "suy tư" u uẩn của Martin Heidegger, đại triết gia Đức thế kỷ 20, vào năm 1951, trước cảnh thiếu thốn nhà ở và xây dựng vội vàng, ồ ạt sau thảm họa tàn phá của chiến tranh ở nước Đức và châu Âu hậu chiến. Những "suy tư" ấy đã gây tác động mạnh mẽ không ngờ lên các thế hệ những nhà quy hoach và kiến trúc Âu châu như một lời cảnh tỉnh, một tiếng gọi thống thiết vào tận "tâm can" nghề nghiệp của họ. Ngày nay, Tây Âu nói chung, nước Đức nói riêng, được tiếng thơm là những nơi được quy hoạch hài hòa nhất, và "nhân bản" nhất, ít nhiều là kết quả của sự phản tỉnh ấy. Không phải ai cũng nhất thiết đồng ý với mọi "suy tư" của Heidegger, nhưng không thể bỏ qua sự nhấn mạnh của ông: trong việc "xây" và trong cung cách ta "sống trong không gian được xây dựng ấy ("ở") nói lên việc ta hiểu thực tại như thế nào và biết xem trọng những gì đáng trọng ("suy tư"). Trong thực tế, bất kỳ công trình xây dựng nào (riêng lẽ hay khu dân cư) đều thể hiện một cách nhìn của ta về thế giới cũng như cách hiểu về con người lẫn đời sống cộng đồng giữa con người với nhau.

Những công trình xây dựng phản ánh cách nhìn thế giới giản đơn hay phức hợp, thô thiển hay thâm trầm một cách ít hay nhiều có ý thức. Cách nhìn và hiểu thực tại thường mang dấu ấn triết học của thời đại, ngay cả khi nhà kiến trúc muốn quay lưng lại với nó. Lý thuyết kiến trúc cũng thường phản ứng lại với những tư tưởng triết học. Nhưng, muốn hay không, công trình xây dựng nào cũng hiện thân cho một cách lý giải thế giới. Vì thế, bao giờ cũng có một triết lý kiến trúc nơi công trình xây dựng, đồng thời, công trình xây dựng trở thành đối tượng cho suy tưởng triết học, gọi là triết học về kiến trúc.

Triết lý kiến trúc thì thật đa dạng. Những thành phố-vườn của Ebenezer Howard (1850-1929) theo đuổi lý tưởng hòa nhập với thiên nhiên như một lựa chọn khác so với các khu dân cư công nghiệp, phác họa những ngôi nhà có mảnh vườn riêng và nhiều không gian chung. Mies van der Rohe lại có triết lý xã hội khác khi xây những ngôi nhà độc lập, phân ly bằng tường cao để nhấn mạnh sự tự trị của cá nhân hơn là sự tương tác và cộng đồng. Ngay cả quan niệm thiết kế nội thất cũng thay đổi: từ căn bếp riêng biệt vì xem việc "nội trợ" là hoạt động thứ cấp cần phải che giấu sang không gian chung khi xem việc phục vụ bữa ăn là niềm vui chung của cả gia đình. Vài ví dụ đơn cử như thế đặt ra nhiều nhiệm vụ cho triết học kiến trúc với hai chức năng cố hữu: phân tích ý đồ và triết lý kiến trúc, đồng thời phê bình và gợi mở những viễn tượng mới. Ở mọi quy mô xây dựng và quy hoạch (nhà riêng, khu dân cư, làng thôn và đô thị), có biết bao kích thước mà triết học kiến trúc cần phải đề cập: nhân học, triết học xã hội, mỹ học và đạo đức học.

Thế giới kiến trúc và xây dựng chưa bao giờ bao bọc quanh ta dày đặc đến ngột ngạt như ngày nay, nhưng đồng thời ta cũng bưng tai bịt mắt hơn lúc nào hết trước thông điệp và triết lý của nó (hay là...vô thông điệp và vô triết lý!).

"Suy tư" sâu hơn về lĩnh vực sinh tồn thiết thân này của văn hóa qua hai câu hỏi tưởng như vu vơ của Heidegger: Ở là gì? Xây thuộc về Ở như thế nào? nhắc nhở nỗi bơ vơ "không nhà" luôn dằn vặt không chỉ đối với thi nhân: "Trần gian du hý CHỐN nào là NƠI?" (Bùi Giáng).

 

Xuân Ất Mùi 

Bản tác giả gửi cho VHNA. Đã in  Báo Xuân Ất Mùi, Người Đô Thị, 02.02.2015 

zalo