Sách Khai Minh - Phụng Sự Nhân Sinh

BÀN VỀ SỐ PHẬN CỦA TẦNG LỚP CÓ HỌC Ở NGA

17/07/2020

BÀN VỀ SỐ PHẬN CỦA TẦNG LỚP CÓ HỌC Ở NGA

TÁC GIẢ: VƯƠNG TRÍ NHÀN

Tập tiểu luận Về trí thức Nga ( La Thành và Phạm Nguyên Trường dịch, nxb Tri thức H. 2009) gồm có nhiều bài viết xuất sắc: - Chân lý của triết học và sự thật của người trí thức - Khủng hoảng trí tuệ và sứ mệnh của tầng lớp trí thức cả hai cùng của tác giả N.A. Berdaev - Tầng lớp kỹ giả -- Alekssandr Solzhenítsyn - Phẩm tính trí thức -- Dmitri LikhacheV. Riêng bài "Bàn về số phận của tầng lớp có học ở Nga" của Sergey Kirilov thì bàn sâu vào lớp trí thức Nga sau 1917.

Tầng lớp này đã được quan niệm như thế nào, nhà nước xô viết đã hình thành họ theo những cách thức ra sao, tại sao giới trí thức Nga lại có bộ mặt như chúng ta đang thấy, tại sao trong thời đại mới, đa số những người này dừng lại ở cái trình độ thảm hại  và kèm theo những suy đồi về đạo đức quá rõ so với trí thức Nga trước Cách mạng.

Chúng tôi lược thuật bài này, cốt để các bạn xa gần qua đó, từ trí thức Nga sau 1917, có thể hiểu thêm về lớp trí thức được đào tạo ở Hà Nội sau 1954.Nay là lúc xã hội thường hay chê trách lớp trí thức này về mọi mặt. Nhưng nếu hiểu được người trí thức ở HN là thế và được nhào nặn như thế, chúng ta sẽ độ lượng với họ hơn với nghĩa… bớt hy vọng ở họ hơn.

--------

Cũng như ở các nền văn hóa khác, nền văn hóa Nga trước 1917 mang tính thượng lưu. Lí do, chỉ có một số người có thể làm được việc mà đa số không thể làm nổi.

Trí thức nói chung chỉ chiếm tối đa 10%, còn thấp nhất là 2 - 3%. Ở các cộng đồng khác đã vậy, ở Nga trước 1917 cũng vậy.

Đến thời Xô Viết, có một xu thế chỉ đạo việc đào tạo, đó là tạo nên giới tri thức không có sự tách biệt với dân chúng như thời Nga hoàng.

Để làm được việc đó, người ta xóa bỏ những chuẩn mực cần thiết, tạo ra một lớp trí thức yếu ớt phàm tục, không có khả năng độc lập mà phụ thuộc nhà nước, do đó sống chết cũng phải trung thành với nhà nước.

Tầng lớp trí thức này luôn luôn được bổ sung bởi các bộ phận ít học là quần chúng công nông, cho nên nó chỉ có trình độ rất thấp và một cấu trúc dễ bị phá vỡ.

 

TỪ CĂM GHÉT ĐẾN TIÊU DIỆT TRÍ THỨC CŨ  VÀ THAY THẾ BẰNG TRÍ THỨC MỚI

Chính quyền Xô Viết có một niềm căm ghét đặc biệt đối với nền văn hóa trước cách mạng, tồn tại trong lòng nó một giai tầng có học mang tính hiện đại.

Do yêu cầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, những năm đầu, họ phải sử dụng tạm thời lớp trí thức đó, nhưng nhanh chóng tìm cách dần dần thủ tiêu những người này -- cả với nghĩa đen lẫn nghĩa bóng là làm biến chất họ --, thay vào đó là những người của mình.

Cách mạng đặt ra mục đích tiêu diệt trí thức đồng thời tiêu diệt văn hóa cũ.

Mặc dù số trí thức tham gia nội chiến không nhiều, nhưng đại diện của tầng lớp trí thức vẫn chiếm từ 80 – 90% những người chống đối việc thiết lập chế độ Bolsevik.  Lúc ấy một phần lớn trí thức Nga là người trong quân đội.  Vào năm 1917, tất cả những người có học, trong độ tuổi nghĩa vụ, đều là sĩ quan.

Những người Bolsevik nhận thức rõ kẻ thù thật sự của họ trong cuộc nội chiến không phải là bọn tư sản và địa chủ, mà chính là tầng lớp trí thức có quân hàm hoặc không đeo quân hàm.

Cuộc khủng bố đỏ được tiến hành nhằm vào tầng lớp trí thức ấy. Các lãnh tụ Bolsevik coi việc giai cấp vô sản đã bẻ gãy được ý chí của tầng lớp trí thức là sự bảo vệ tốt nhất cho thắng lợi của cách mạng trong tương lai.

Và cái mục đÍch cao cả ấy được dùng để biện hộ cho những hành động phản tiến hóa của họ. Sự đàn áp thô bạo, nạn đói, bệnh dịch – vốn là hậu quả của cách mạng – làm mấy trăm ngàn trí thức thiệt mạng, một số thì lưu vong.

Những người còn sống sót thì bị thù ghét. Họ không có chỗ đứng trong các sơ đồ mác - xit bởi lúc nào cũng làm vướng cẳng các lí thuyết gia mác - xit. Theo quan niệm của những người xây dựng xã hội mới thì trong tương lai tầng lớp này sẽ không còn. Hệ thống giáo dục có mục đích tạo ra “một sự đồng nhất về mặt xã hội”.

 

ĐÀO TẠO LỚP NGƯỜI THAY THẾ.  BÙNG NỔ VỀ SỐ LƯỢNG  ĐI ĐÔI VỚI SỰ HẠ THẤP CHẤT LƯỢNG

Tầng lớp trí thức Nga trước cách mạng có số lượng tương đối nhỏ, khoảng từ 2- 3 triệu người tức khoảng 3% dân số.  Ngược lại, dưới chính quyền Xô Viết, sự phát triển trí thức lại có tính cách ồ ạt, nhà nước chủ trương một sự phát triến nhanh chóng và giả tạo số người có học.

Tại sao cần vậy?

Luôn luôn trong giới trí thức cũ, người ta nhận ra những chuyên gia nổi loạn.  Nảy sinh nhu cầu thay thế.  Nhưng cái mà người không thể làm được là chất lượng.  Vậy phải bù vào bằng sự dư thừa số lượng để tạm an lòng.

Hầu như trong tất cả các giai đoạn lịch sử, người ta đều cố gắng thúc đẩy việc đào tạo các chuyên gia và phát triển hệ thống trường học. Mục đích là “biến tất cả mọi người thành trí thức” và không để cho giai tầng này được hưởng đặc quyền đặc lợi nữa.  Tốc độ đào tạo kỹ sư và chuyên gia các ngành khác nhau vượt xa nhu cầu của nền kinh tế và được quyết định chủ yếu bởi nhu cầu chính trị và tuyên truyền.

Có thể thấy sự gia tăng đột ngột số lượng người có học diễn ra trong những năm 1930 qua các con số - chỉ trong một chục năm lớp người này đã gia tăng gần 300%, riêng số người có bằng đại học và trung học chuyên nghiệp gia tăng 360%. Cú bùng nổ thứ hai diễn ra trong những năm 1950 – 1960, lúc đó trong một số ngành tốc độ phát triển lên đến 100% trong có một chục năm.  Nhưng đặc điểm chung của cả hai giai đoạn bùng nổ này là lớp tri thức mới có trình độ thấp hơn rất nhiều so với chuẩn mực trên thế giới.

 

NHỮNG TRÍ THỨC XA LẠ VỚI VĂN HÓA

Cuối những năm 80, cả Liên Xô có 87 triệu chuyên gia, trong đó 16 triệu người tốt nghiệp đại học.  Sự phình ra một cách vô giới hạn tầng lớp tri thức dẫn đến hiện tượng giả tạo là mặc dù mức độ phát triển khoa học kĩ thuật và văn hóa xã hội của Liên Xô thấp hơn so với các nước phát triển ở châu Âu, nhưng lại đứng đầu về số lượng bác sĩ kỹ sư cán bộ nghiên cứu khoa học.  Không chỉ về số lượng tuyệt đối mà Liên Xô còn đứng đầu tỉ lệ trí thức tính theo đầu người. Đồng thời lớp trí thức này lại được trả lương ở mức thấp nhất. Sự thấp kém nói ở đây không phải về giá trị tuyệt đối mà là thấp hẳn so với mức lương trung bình của cả nước.

Trở lại với sự so sánh trí thức cũ và mới. Nét đặc biệt của người trí thức mới là họ phải phủ nhận bản chất tinh hoa của mình. Kết quả là không có gì chung giữa tầng lớp có học hiện nay với lớp tri thức của nước Nga xưa.

Trong xã hội Xô Viết, một người bình thường (không phải nhân vật mà nhà nước đào tạo) gần với văn hóa truyền thống hơn là người có học kiểu Xô Viết.

Người bình thường ấy còn giữ khái niệm về một nền văn hóa chân chính.  Nhưng người bình thường ấy lại không phải là nhân vật chủ đạo của xã hội.

Người có học thời Xô Viết không hiểu gì về người trí thức trước cách mạng, cũng chả hiểu gì về châu Âu và văn hóa cổ điển. Họ bịa đặt ra một số nét đặc thù của văn hóa Nga, mà thực tế chỉ là thứ văn hóa bị hạ thấp và đứng ngoài mọi chuẩn mực.

-------

Tiếp theo sẽ là các tiểu mục

HỢP THỨC HÓA TÌNH TRẠNG VÔ HỌC CỦA GIỚI QUAN CHỨC.

SỰ TẦM THƯỜNG ĐÃ ĐẾN VỚI LỚP NGƯỜI VỐN ĐƯỢC COI LÀ CAO QUÝ

TRÍ THỨC CẤP THẤP VÀ QUAN CHỨC CẤP CAO. XU THẾ BÀNH TRƯỚNG

KẾT CỤC KHÓ TRÁNH

 

zalo