Sách Khai Minh - Phụng Sự Nhân Sinh

Đôi lời giới thiệu: "Giữa quá khứ và tương lai" của Arendt - Chính trị - Giáo dục - Trách nhiệm - P2

15/08/2020

Tác giả NNC Bùi Văn Nam Sơn

Nguồn: Văn hóa Nghệ An

Đôi lời giới thiệu:

Hannah Arendt (1906 - 1975). Ảnh: Internet

GIÁO DỤC

Bài “Khủng hoảng trong giáo dục” (Chương 5 trong sách này) nguyên là bài thuyết trình của Arendt vào năm 1958 tại Bremen (Đức) nhân một cuộc hội thảo. Bài viết tuy lấy cuộc khủng hoảng giáo dục ở Mỹ lúc bấy giờ làm đề tài, nơi bà có nhiều trải nghiệm trực tiếp, nhưng thật ra, ta không phải “đang đối diện với các vấn đề cụ thể, hạn chế trong các giới hạn lịch sử và dân tộc và chỉ quan trọng với những người bị ảnh hưởng trực tiếp”.  Vì bà tin rằng “quy tắc có thể xem là phổ biến của thế kỷ này là bất kỳ điều gì có thể xảy ra ở một đất nước này cũng có thể xảy ra ở hầu như bất kỳ nước nào khác trong tương lai”. Một mặt, giáo dục là duyên cớ cho cuộc thảo luận thời sự, và vì thế trở thành một vấn đề chính trị, “thậm chí, thành vấn đề chính trị hàng đầu” như ở Mỹ lúc bấy giờ. Nhưng mặt khác, giáo dục không thể diễn ra trong lĩnh vực chính trị, trái lại, phải được xem là tiền đề cho hành động chính trị. Theo bà, giáo dục có thể được bàn thảo trong lĩnh vực chính trị, nhưng cuộc bàn thảo ấy lẽ ra phải kết thúc trước khi con người có thể hành động trong lĩnh vực chính trị.

Trước hết, với bà, “khủng hoảng” không chỉ có nghĩa tiêu cực, bởi nó cũng là cơ hội cho sự thức tỉnh và phản tỉnh. “Cuộc khủng hoảng chỉ trở thành tai họa, khi ta trả lời nó bằng những tiền kiến, định kiến”. Sự khủng hoảng giáo dục ở Mỹ lúc bây giờ sở dĩ nghiêm trọng vì những đặc thù lịch sử của nó: nước nhập cư với sự đa tạp và phức tạp của việc tổ chức giáo dục cho lớp trẻ đa chủng tộc, đa văn hóa. Tình hình ngày nay có thể đã khác nhiều, vì thế ở đây cần chắt lọc ra những yếu tố trung tâm, độc lập với bối cảnh lịch sử, văn hóa nhất thời.

Vậy, theo Arendt, giáo dục cần được nhìn nhận như thế nào? Bà nêu ra nhiều ý tưởng độc đáo:

- Con người là sinh vật cần được giáo dục, nhưng giáo dục kỳ cùng chỉ là phương tiện cho một mục tiêu rõ rệt: trở thành con người tự chủ và có năng lực suy tư tự do. Mục tiêu này phải đạt được trong một khoảng thời gian nhất định của cuộc đời, do đó, nói một cách chặt chẽ, giáo dục chỉ là giai đoạn chuẩn bị vào đời. Vì thế, chỉ có trẻ em mới cần và có thể được giáo dục: “Ai muốn giáo dục người đã trưởng thành, thì, trong thực tế, chỉ là muốn thao túng, lèo lái họ và ngăn cản họ hành động chính trị theo đúng nghĩa”. Người lớn - như là tác nhân chính trị - phải là những người đã từng được giáo dục. Dùng khái niệm “giáo dục” trong lĩnh vực chính trị, vì thế,  chỉ mang lại sự “phản cảm”! Theo đó, giáo dục và hành động chính trị là hai loại hoạt động khác nhau của con người, cần được phân biệt rạch ròi. “Giáo dục không có vai trò gì trong chính trị cả, bởi, trong chính trị, ta chỉ làm việc với những con người đã được giáo dục”. Tách biệt giáo dục và hành động chính trị là đóng góp mới mẻ, độc đáo của Arendt, bởi qua đó, giáo dục không phải và không còn là “phương tiện của chính trị”, và hoạt động chính trị không phải là một “hình thức của giáo dục”.

- Ba thành tố của giáo dục: thứ nhất là trẻ em như “kẻ mới đến” thế giới này; thứ hai, người lớn đã được giáo dục, và thứ ba, là “thế giới nói chung” như là môi trường của giáo dục. Cả ba thành tố đều liên tục đổi mới, biến dịch, và vì thế, khác về chất với sự sinh trưởng thuần túy sinh học của thế giới động thực vật. Trong ba nhân tố ấy, “thế giới chung” của con người là nhân tố trung tâm.

 

Sách Giữa quá khứ và Tương lai

 

Arendt không hiểu thế giới như là thế giới tự nhiên xung quanh ta. Trái lại, “thế giới”, nơi Arendt, có hai cấp độ ý nghĩa. Trước hết là thế giới của những sự vật được tạo tác, sản xuất, mang lại cho con người cái gì lâu bền hơn bản thân đời sống sinh học của con người. Thứ hai là thế giới “ở giữa” những con người khác nhau, một “chỗ giữa” rất khó nắm bắt, nhưng lại hình thành từ hành động tương tác của số đông con người với nhau, thể hiện thành những định chế. Mặt khác, thế giới, hay đúng hơn, “cõi sống” (đúng theo cách hiểu của M. Heidegger được bà tiếp thu) không hoàn toàn đồng nhất với lĩnh vực công hay không gian công cộng. Bởi ở đây, ta gặp mối quan hệ đầy căng bức giữa không gian công cộng và không gian riêng tư, một mối quan hệ sẽ có tác động rất lớn đến hoạt động giáo dục.

Quan hệ căng bức giữa “công cộng” và “riêng tư”

Cảm thức sâu sắc của Arendt về mối quan hệ này là từ chế độ Đức quốc xã toàn trị. “Việc tách rời giữa cái công cộng và cái riêng tư của Arendt là do việc phá hủy sự phân biệt này của chế độ quốc xã. Sự tách rời này là rất thiết yếu đối với năng lực tư duy và phán đoán, khiến cho việc xóa bỏ sự phân biệt này dẫn đến sự biến dạng của tư duy: không chỉ tư duy như là sự đối thoại im lặng với chính mình (Plato) mà còn theo nghĩa “lề lối tư duy mở rộng” (Kant) (tức biết đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh và suy nghĩ của người khác).

Không gian công cộng không đồng nhất với “thế giới”, nhưng diễn ra trong thế giới, như mặt “dương”, mặt “sáng” của thế giới, ví như ngọn hải đăng. Con người, từ khi sinh ra, đã ở trong thế giới, nhưng chưa ở ngay trong không gian công cộng. Việc con người có thể xuất hiện trong không gian công cộng, được không gian ấy chấp nhận và công nhận không phải là việc đương nhiên. Điều ấy đòi hỏi sự dũng cảm và một quyết định dấn thân. Muốn thế, con người, như đã nói, phải được giáo dục dục trước đã, tức, cần trải qua thời gian chuẩn bị với những trang bị cần thiết. Sự dấn thân ấy đầy rủi ro, và vì thế, cần được “bảo vệ” trước không gian công cộng. Trong điều kiện cực đoan (như dưới chế độ quốc xã cực quyền), khu vực công cộng bị đẩy vào trong khu vực riêng tư, và hình thành một không gian đầy nghịch lý: “không gian công cộng riêng tư”. Nếu ở đây, khu vực riêng tư được hiểu như mặt “âm”, mặt “tối” của thế giới, của những nhóm nhỏ kín đáo, rời rạc, ta thường nghe nói đến những “thời kỳ đen tối”!

Tuy nhiên, theo Arendt, mặt “âm”, mặt “tối” cũng có nghĩa tích cực như là nơi chốn đùm bọc, che chở. Như cây cối chỉ âm thầm phát triển trong bóng tối trước khi vươn lên trong ánh sáng mặt trời, con người,  nhất là trẻ em, cần được bảo vệ, che chở trước khu vực công cộng để bất kỳ lúc nào cũng có thể quay về nương tựa trong mái ấm gia đình riêng tư. Không gian riêng tư là nơi con người nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng. Trẻ em lại càng cần không gian này hơn ai hết.

Cuộc khủng hoảng giáo dục, theo Arendt, có nguyên nhân cơ bản từ sự sang bằng hai không gian này. Khi cái riêng tư bị công cộng hóa và cái công cộng bị riêng tư hóa, thì trẻ em càng khó trưởng thành một cách êm ái. Trẻ em, khi chuẩn bị bước vào thế giới của người lớn, cần có một “nơi trung chuyển”. Vì thanh thiếu niên là những kẻ mới, lạ, bước vào một thế giới chưa từng được biết. Vì thế, Arendt gọi nhà trường - như một định chế xã hội - là “không gian trung chuyển”. Nó không còn hoàn toàn riêng tư, thân mật như gia đình, nhưng cũng chưa phải là không gian thuần túy, công cộng với tính “vô tình” cố hữu của nó.

Nhưng, nhà trường tuyệt nhiên chưa phải là thế giới, và không nên tỏ ra vẻ là thế giới, mà đúng hơn, là bước chuẩn bị tích cực cho trẻ em đi vào thế giới người lớn, “những người đã được giáo dục”. Giáo dục ở nhà trường khác với giáo dục gia đình ở chỗ không còn lấy việc sinh tồn làm trọng tâm, mà là sự “phát triển tự do của cá tính và năng khiếu bẩm sinh”. Mục đích là giúp cho người trẻ không còn là một kẻ xa lạ, một người mới tới, mà trở thành một cái gì mới mẻ chưa từng có trước đó ở trong thế giới.

“Nhưng, ở đây, dù muốn hay không, người thầy giáo hay nhà giáo dục xuất hiện như người đại diện cho thế giới trước mặt người trẻ và phải làm tròn trách nhiệm của mình”.

Tóm lại, theo Arendt, giáo dục diễn ra trong không gian tiền-chính trị, tập trung vào việc chuẩn bị cho người trẻ hành động trong thế giới chung. Qua giáo dục, con người được trang bị cho cuộc sống ở “giữa” những con người. Và, như đã nói, cả hai, hành động giáo dục và hành động chính trị theo nghĩa rộng đều cần chứng tỏ sự nỗ lực không ngừng vươn tới sự tự do.

TRÁCH NHIỆM

 “Trách nhiệm đối với sự trưởng thành của trẻ em, theo một nghĩa nào đó, là trách nhiệm đối với thế giới” (H. Arendt, “Sự khủng hoảng trong giáo dục”).

“Giữa” quá khứ và tương lai cũng chính là tính cách cơ bản của khái niệm trách nhiệm. Nguyên là thuật ngữ pháp lý chỉ việc con người phải chịu trách nhiệm về những việc đã làm trong quá khứ; nó đương nhiên có tính hồi cố về trách nhiệm dân sự, hình sự và nhất là trách nhiệm chính trị của cá nhân và tập thể. Arendt đã dành nhiều công sức để bàn về trách nhiệm chính trị trong quá khứ, nhất là của chế độ quốc xã toàn trị. Nhưng, tư duy hiện đại của Arendt nhấn mạnh nhiều đến kích thước tương lai của trách nhiệm: trong “không gian công cộng”, đó là trách nhiệm làm người công dân bình thường, trách nhiệm của người đảm nhiệm các chức vụ chính trị; trong “không gian riêng tư” là quyền và trách nhiệm bảo vệ, phát huy sự tự do nội tâm của cá nhân con người. Ở đây, xin giới hạn vấn đề trách nhiệm trong lĩnh vực giáo dục với ba tiêu ngữ cơ bản: “quyền uy” trong giáo dục (Chương 3), “truyền thống” (Chương 1) và mối quan hệ giữa các thế hệ (Chương 5).

- Vấn đề trách nhiệm trong giáo dục, theo Arendt, cần đặt trong khuôn khổ rộng lớn hơn của “trách nhiệm xã hội”. Trách nhiệm xã hội là chỗ giao thoa giữa trách nhiệm chính trị và trách nhiệm giáo dục. Khi thế giới ta đang sống ngày càng trở thành một “ngôi làng toàn cầu” với tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa dồn dập, hiện tượng con người “dồn lại bên nhau” đặt ra vấn đề trách nhiệm cá nhân và tập thể. Theo Arendt, “sự phát triển của kỹ thuật phương Tây ắt sẽ dẫn đến một sự “hợp nhất nhân loại” (Arendt, 1968 b, tr. 201) [6]. Nhưng khác với Aristotle, tư duy chính trị của Arendt không quá bận tâm đến vấn đề phúc lợi chung của con người, cho bằng đến sự tự do và việc xây dựng “thế giới” hay “cõi sống chung”. Mối lo âu này thể hiện rõ qua khái niệm “trách nhiệm” trong lĩnh vực giáo dục, dọc theo tiến trình phát triển của con người từ trẻ em thành người lớn. Đó là vai trò của cha mẹ, của nhà trường (nơi trung chuyển giữa riêng tư và công cộng) và của người trưởng thành (sẽ làm cha mẹ trong tương lai). Như đã nói, tương ứng với ba giai đoạn ấy là việc hành xử có trách nhiệm với ba tiêu ngữ “quyền uy”, “truyền thống” và sự giao tiếp giữa các thế hệ.

- Vai trò của cha mẹ: Đây là lĩnh vực riêng tư của gia đình. Trong lĩnh vực này, trách nhiệm là “bao trùm” (“pauschal”), theo nghĩa chăm sóc, phòng vệ toàn diện, thậm chí mang tính “bảo thủ” (conservative). Bà giải thích: theo tôi, “bảo thủ theo nghĩa bảo tồn dường như là bản chất của hoạt động dưỡng dục, vì trách vụ của nó bao giờ cũng là nâng niu và gìn giữ… Trách nhiệm bao trùm, tất nhiên, cũng có nghĩa là một thái độ bảo thủ. Nhưng, bà lưu ý ngay: “thái độ bảo thủ chỉ có giá trị trong giáo dưỡng, hay đúng hơn, chỉ trong quan hệ giữa người lớn và trẻ em mà thôi, chứ không phải trong lĩnh vực chính trị, nơi ta làm việc với những con người đã trưởng thành và đồng đẳng với ta”. Bởi “trong chính trị thì thái độ bảo thủ này - muốn giữ mọi thứ ở nguyên trạng - chỉ dẫn đến sự đồi bại (…), khi con người không chịu can thiệp để thay đổi, để sáng tạo nên cái Mới”. “Kịch bản” khó khăn trong giáo dục, vì thế, là ở chỗ: “Chính vì cái mới, vì cái cách mạng mà sự giáo dục phải có tính “bảo tồn” nơi mỗi đứa trẻ: cái mới này phải được bảo vệ, để du nhập được chính cái mới vào trong thế giới đã cũ”. Đó cũng là cách nói khá lạ thường: phải bảo vệ trẻ em trước “thế giới”, đồng thời phải bảo vệ “thế giới” trước trẻ em, để không đối xử với trẻ em như với người lớn, và không đối xử với người lớn như với trẻ em!

Nhà trường và quyền uy

Arendt dành cả một bài dài (Chương 3) để bàn về quyền uy như là vấn đề trung tâm trong diễn ngôn về giáo dục. “Trong giáo dục, trách nhiệm đối với thế giới thể hiện trong quyền uy”. Nhưng, trong sự suy giảm, thậm chí tiêu vong của mọi loại quyền uy trong xã hội hiện đại, một trong những nguyên nhân cơ bản của cuộc “khủng hoảng trong giáo dục”, nhà giáo dục (cha mẹ lẫn thầy giáo) vẫn cần có một “quyền uy” nào đó để thực hiện trách vụ của mình.

Trước mặt trẻ em, nhà giáo dục là kẻ đại diện cho “thế giới chung” của con người, và chịu trách nhiệm về nó. Tuy nhiên, ta sẽ hiểu sai Arendt khi hình dung nhà giáo dục như “ông thầy độc đoán” kiểu cổ điển. Bà chỉ muốn tránh cách hiểu khá cực đoan về chủ trương “giáo dục tiến bộ” (“progressive education”), muốn xóa bỏ hoàn toàn “quyền uy” trong giáo dục, bởi nó có thể dẫn đến những kết quả tai hại ngoài ý muốn. Theo Arendt, từ bỏ hoàn toàn “quyền uy” không hẳn sẽ “giải phóng” cho trẻ em, mà chỉ “khoán trắng” chúng cho một loại quyền uy khác, “còn đáng sợ hơn, và thực sự là bạo ngược, đó là sự độc tài của số đông”, của “nhóm bạn”. Điều này không khác gì việc loại trừ không gian phòng vệ của giáo dục, bởi tuổi thơ là giai đoạn phi-chính trị, và việc “tự quản” của các nhóm trẻ có thể dẫn đến việc đẩy trẻ em vào “đời sống chính trị” quá sớm.

Nhà trường và truyền thống

Quyền uy của nhà giáo dục được xây dựng trên truyền thống, nhưng bản thân truyền thống cũng bị chao đảo và đầy xung đột. Thế giới hiện đại không còn có một truyền thống chung nữa, khi nó đã trở thành thế giới toàn cầu. Trong khi đó, nhiệm vụ chủ yếu của giáo dục là “lưu truyền” văn hóa theo nghĩa rộng, và nhà trường nhìn về tương lai từ điểm xuất phát là quá khứ. Làm thế nào để nhà trường là sợi dây gắn liền quá khứ và tương lai? Bài viết như là một mối ưu tư, đặt ra nhiều câu hỏi hơn là giải pháp.

Sự giao tiếp giữa các thế hệ

Arendt kết thúc bài nghị luận của mình về giáo dục: “Giáo dục là điểm từ đó ta quyết định liệu ta có yêu thế giới đủ để nhận lãnh trách nhiệm về nó và cùng lúc bảo vệ nó khỏi bị hủy diệt (...) Và giáo dục cũng là nơi ta quyết định liệu ta có yêu con cái ta đủ để không loại bỏ chúng khỏi thế giới của ta và để mặc chúng tự xoay xở, cũng không tước khỏi tay chúng cơ hội thực hiện một điều gì mới mẻ mà ta chưa thấy trước được, trái lại chuẩn bị ngay từ trước cho chúng trách vụ làm mới lại thế giới chung này”.

Với cách viết đầy xúc cảm: ta có đủ yêu thế giới không, có đủ yêu con cái chúng ta không, Arendt cho thấy chính trị và giáo dục không phải là thế giới vô hồn của những sự vật, mà của con người, của trái tim con người. Giáo dục mà không có giảng dạy thì trống rỗng; giảng dạy mà không có tình yêu thương thì sẽ mù quáng và khô héo. Như bà nói, ta không thể trực tiếp giáo dục trẻ em về trách nhiệm, trái lại, giáo dục diễn ra thông qua trách nhiệm. Giáo dục là hành động, và chỉ thông qua hành động mới hình thành trách nhiêm: “phải có quyền hành tối thiểu nào đó, mới có thể có trách nhiệm”. Khi thế hệ mới lớn lên, họ sẽ trở thành những người đại diện cho thế giới chung trước thế hệ trẻ em mới.

Tiếc thay, trở lực vẫn thường đến từ lĩnh vực chính trị. Theo kinh nghiệm máu xương của đời bà và dân tộc bà, những hình thức cai trị suy đồi như trong thời quốc xã đã từng làm cho bao người phải trở thành vô tổ quốc, vô-thế giới và vô quyền. Giáo dục, với tính cách bảo tồn và lưu truyền, phải đảm nhiệm công việc gấp đôi: bảo vệ cả “thế giới” lẫn trẻ em. Làm sao giữ được sự cân bằng giữa cái Mới và cái Cũ, vì họ chịu trách nhiệm cho cả hai?

Những trăn trở của Arendt về giáo dục (chương 5), văn hóa (chương 6) và văn hóa chính trị (chương 7) vẫn còn nóng bỏng tính thời sự.

-------------------

[6] Arendt, Hannah (1968 b): Karl Jaspers: Bürger der Welt/Công dân của thế giới.- Trong Ludz, Ursula (ấn hành): Hannah Arendt. Menschen in finsteren Zeiten/Hannah Arendt. Con người trong những thời kỳ đen tối. – München: Piper Verlag, 1989, tr. 99-112.

zalo