Sách Khai Minh - Phụng Sự Nhân Sinh

MỘT SỐ GHI CHÉP CHUNG QUANH KHÁI NIỆM TRÍ THỨC

16/07/2020

MỘT SỐ GHI CHÉP CHUNG QUANH KHÁI NIỆM TRÍ THỨC

Tôi cũng không nhớ đã đọc tư tưởng này ở đâu ở cuốn sách nào bài báo nào.  Nhưng rõ ràng đó không phải là tư tưởng của tôi  mà là của người khác tôi chỉ sàng lọc lắp ghép lại và cũng chưa thật hiểu.  Chúng ở trong trong các tài liệu tiếng Nga và những tài liệu người Nga dịch từ các tiếng nước ngoài.

Tác giả: Vương Trí Nhàn

----------

Thông thường, trí thức được hiểu đại khái là những người lao động trí óc, các nhà kỹ thuật, các nhà nghiên cứu. Trong khi lấy việc sáng tạo và chế biến tư tưởng làm nghề, bộ phận cao cấp trong họ thường có cái vẻ đứng ngoài mà ngẫm nghĩ sự đời mà không phải những người hành động.

Tại sao nẩy sinh những người làm nghề trí thức như thế này? Trong quá trình tồn tại, các cộng đồng đều đi từ chỗ lo kiếm ăn đủ sống đển chỗ nghĩ chung về sự phát triển và cuộc sống lâu dài của mình. Dần hình thành cả một lớp người chuyên lo chuyện này.

Theo M.Heideger, trí thức là người có sự đánh giá lại mục đích và ý nghĩa cuộc sống trong khi đám đông tiếp nhận không phê phán.

Họ đọc nhiều sách. Tức là họ sống nhiều cuộc đời thuộc về nhiều cộng đồng và nhiều thế hệ. Từ đó họ biết rằng cuộc sống có thể được hiểu theo nhiều nghiã khác nhau. Họ làm cuộc lựa chọn bằng cách trước hết xây dựng chính mình, làm ra chính mình theo cách của mình.

Xã hội ngày một phát triển thì số lượng những người này càng đông hơn và có sự biến chuyển về chất. Một số trong họ chỉ dừng lại ở việc vận dụng và tiêu hóa kiến thức một cách thụ động. Họ giống như chiếc xe chở hàng thuê luôn luôn có hàng mới nhưng luôn luôn bỏ hàng xuống những bến bãi nào đó. Một số khác bị ngay cái mớ kiến thức mà họ chuyên chở đó biến cải. Họ không bao giờ trở lại với nghĩa con người bình thường.

VAI TRÒ MỞ ĐƯỜNG

Một nhà nghiên cứu người Nga là M.L.Gasparov so sánh trong loài vật có những lúc cả đàn gặp khó khăn, có những con vượt lên mở đường. Trí thức là loại người đó

Từ điển Oxford : bộ phận có học được xem như những người bị ám ảnh về văn hóa và mở đường trên phương diện chính trị

E.Morin: Trong cuộc tìm tòi thường là sai lầm của mình, trí thức trước sau vẫn còn là người bảo trợ duy nhất của các vấn đề mà con người chạm phải.

Các cá nhân có tiềm năng trở thành trí thức được hình thành từ chỗ tách khỏi bầy đàn, nhưng bản thân sự tách rời đó ban đầu thường không được sự chia sẻ của cộng đồng mà anh ta là một bộ phận.

Nhất là khi các cá nhân tách ra này lại dành cho mình cái quyền lớn như thượng đế, quyền vượt cao lên để suy nghĩ, và không chấp nhận cách nghĩ thông thường mà muốn tìm tới những cách nghĩ mới lạ, không phải chỉ những suy nghĩ ngày hôm nay mà có thể là những cách nghĩ trong tương lai. Họ dễ mua lấy ác cảm.

Các trí thức còn có một chỗ yếu rõ rệt. Họ phiêu lưu vào khu vực của cái không biết. Họ là những con người phiến diện, rất mạnh về mặt này mà lại rất yếu về mặt khác

TẤT CẢ CÓ THỂ LÀM KHÁC

Trí thức trả lời cho những câu hỏi không dễ trả lời: Đây là cái gì? Vì sao nó lại như thế? Điều này có thể là sự thực không?

Trước những mối quan tâm chung họ có cách trả lời riêng. Luôn luôn họ mang lại cho những gì rối rắm một trật tự, nhưng trước những vấn đề ổn định thì họ lại sẵn sàng xới tung nó lên. Hoài nghi và gieo rắc hoài nghi là phẩm hạnh bắt buộc ở họ.

Theo Heideger, người trí thức luôn luôn khát khao là mình chứ không phải chỉ là sản phẩm của giáo dục và hoàn cảnh. Họ làm cuộc lựa chọn bằng cách xây dựng chính mình làm ra chính mình theo cách của mình. Nó cũng là nội dung chân chính của khái niệm tự do (chứ không phải tự do là muốn làm gì thì làm, càng làm khác mọi người là càng chứng tỏ rằng mình tự do -- như những kẻ dung tục vẫn hiểu.)

Với Heideger, nỗi khao khát tự do trên đây cũng là nỗi khao khát tính nguyên bản. Đạt đến tính nguyên bản là có sự đánh giá lại mục đích và ý nghĩa cuộc sống theo cách của mình sau khi đã tham khảo và thể nghiệm kinh nghiệm của những người khác.

Chỉ có thể hiểu được thế giới này từ nhiều góc độ khác nhau với sự phối hợp của nhiều lý thuyết khác nhau, đó là tâm niệm của nhiều trí thức chân chính. Dường như nhìn vào cái gì họ cũng cho rằng có thể làm khác và trước tiên là tất cả có thể nghĩ khác.Tính phê phán - mà mọi con người đều có - được người trí thức đưa lên thành một nguyên tắc suy nghĩ .

Vai trò phản biện mà nhiều nhà trí thức gần đây nhấn mạnh chính là một bộ phận của tính phê phán thường trực đã thuộc về bản chất của giới trí thưc chân chính. Tính phê phán này chẳng những xa lạ với mọi sự làm theo khuôn mẫu cuả các tín đồ thụ động mà cũng tự phân biệt với thói phản biện bừa bãi, phản biện làm dáng, ra vẻ trí thức độc lập và đóng vai phản biện để đề cao uy tín cá nhân. Chất lượng phản biện không chỉ tùy thuộc vào động cơ trong sáng tức không chỉ tùy thuộc vào tấm lòng như cách nói của chúng ta - điều đó gần như một lẽ đương nhiên --mà trước tiên phụ thuốc vào trình độ của người trí thức đứng ra phản biện.

TRÍ THỨC VÀ NHÂN DÂN

F. Braudel

Một dân tộc chỉ tồn tại nếu nó không ngừng đi tìm bản thân nếu nó luôn luôn tiến hóa, nếu nó không mệt mỏi trong việc tự phân biệt mình với những kẻ khác và mong mỏi được tương ứng với những gì tốt đẹp vẫn ẩn giấu nơi mình

---

M. Heideger

Người trí thức biết rằng có nhiều cách hiểu đời sống khác nhau. Họ

dao động giữa khinh bỉ nhân dân và thần thánh hóa nhân dân

---

E.Morin

Trí thức không tự đồng hóa mình đến cùng với các ông chủ bảo trợ cho mình, cũng như với nguồn gốc của mình (với dân tộc) , kể cả với nhân dân.

Họ chuẩn bị cho mình xem xét những vấn đề chung của nhân lọai.

Với nhân dân, trí thức dao động giữa việc lôi kéo nhân dân đi theo họ và phục vụ nhân dân

Thời đại này, trí thức phân hóa : các quan chức văn hóa / các chuyên gia cao cấp

Nói cách khác, giữa những đòi hỏi làm việc có tính chất trừu tượng xa đời sống/điều kiện gian khổ của những nhân vật nổi loạn

Trí thức: kẻ nhiệt tình đi vào các vấn đề cơ bản mà con người chạm phải

---

Ju. Lotmann

Trí thức là kẻ không chỉ hiểu được chính mình mà còn hiểu được kẻ khác. Trí thức liên quan đến tự do và trách nhiệm

PHẨM CHẤT CÁ NHÂN CỦA CÁC TRÍ THỨC

T.Tolstaja

Chất trí thức, đó là sự tỏa sáng của tâm hồn là những mệnh lệnh của đạo lý, là lương tâm là cảm giác trách nhiệm trước nhân dân nước mình và các nước khác. Là nỗi sợ gây ra cái ác. Là ý tưởng thường trực “hay là ta có lỗi “. Là sự hào hứng “làm sao để giúp cho là những dự định tốt đẹp” được nghĩ cùng với lời tự cảnh tỉnh “không biết chừng những dự định này có thể dẫn tới địa ngục”

==

B. Okudjava

Trí thức là kẻ suy nghĩ độc lập, khao khát hiểu biết, phục vụ một cách vô tư cho công bằng xã hội. Họ không chấp nhận bạo lực mà chỉ cho phép có những phương tiện nhân đạo để đạt tới mục đích. Họ kính trọng cá nhân, nghi ngờ sự đúng đắn của bản thân mình và không bao giờ hướng tới quyền lực. Kẻ trí thức chân chính không bao giờ là nhà cách mạng.

Trí thức không định thay đổi lịch sử mà chỉ muốn hiểu nó và thúc đẩy nó tiến nhanh hơn.

 

zalo