Sách Khai Minh - Phụng Sự Nhân Sinh

Những Ngạc Nhiên Triết Học - Henri Bergson (1859-1941)

16/02/2021

Tác giả: Jeanne Hersch

Dịch giả: Dương Thắng

Nguồn: L’étonnement philosophique. Une histoire de la philosophie” (Những ngạc nhiên triết học. Một lịch sử triết học. Folio Essais. Paris 1993)

Những Ngạc Nhiên Triết Học - Henri Bergson (1859-1941)

Henri Bergson (1859-1941). Nguồn ảnhhttps://historia-biografia.com/henri-bergson/

Phần 1

[...] Những suy ngẫm của Bergson khởi đầu bằng một sự ngạc nhiên. Thoạt tiên ông ngạc nhiên khi thấy có một khía cạnh vô cùng thiết yếu của hiện thực lại không thể quy giản về một đối tượng khảo sát của khoa học thực chứng – khía cạnh đó là phẩm tính hay định tính, một phạm trù đối lập với định lượng. Hiển nhiên rằng chúng ta có thể đặc trưng cho mầu đỏ bằng độ dài của bước sóng tương ứng với mầu đỏ, và như thế ở đây ta đã tìm thấy một đối tượng định lượng. Nhưng độ dài này, cái đối tượng định lượng này không phải là bản thân mầu đỏ. Đây chỉ là một sự “diễn dịch bằng định lượng” của mầu đỏ, một đối tượng định tính. Con số biểu thị bước sóng của mầu đỏ hoàn toàn không có bất kỳ sự tương hợp nào với những cảm giác của chúng ta với mầu đỏ. Cái gây ấn tượng mạnh mẽ cho Bergson, đó chính là những trải nghiệm tức thì về thế giới cảm tính (thế giới cảm nhận được). Thế giới này không phải là cái thế giới định lượng mà khoa học không ngừng khám phá và đạt được những bước tiến dài: Là cùng một thế giới nhưng chúng lại không phải là một, ở đây có một cái gì đó thật sự đáng để ngạc nhiên.

***

Định tính chống lại định lượng, chiều sâu chống lại bề mặt. Cái mà chúng ta đo đếm được, đó là những đoạn thẳng, những bề mặt, những thể tích. Nhưng chiều sâu, với tư cách là một trải nghiệm sống, luôn mang đến cho chúng ta những trải nghiệm tức thời (về nó) lại là cái mà chúng ta không bao giờ đo đếm được, ít nhất là bằng những phương pháp trực tiếp. Điều này đưa chúng ta đến một sự đối lập giữa cái bên trong, cái nội tại của những trải nghiệm, kinh nghiệm với cái bề ngoài của những trải nghiệm. Có một thế giới bên ngoài, đó là những cái mà chúng ta thực hành những trải nghiệm về nó; nhưng những sống trải mà chúng ta thu nhận từ thế giới bên ngoài lại thuộc về nội tâm, cư trú ở cái bản ngã bên trong. Những cảm giác/cảm xúc về mầu đỏ thuộc về bên trong, trái ngược với độ dài của bước sóng là cái bên ngoài. Điều này đã dẫn dắt chúng ta đến chỗ phải đặt ra câu hỏi : Làm thế nào để tôi có thể “hiểu” những trải nghiệm sâu sắc, thuộc về nội tâm, mang đặc trưng định tính, và thực sự là “tức thời” hơn nhiều so với quá trình tôi “hiểu” các đối tượng của khoa học? Ở đây nó liên quan đến loại “hiểu biết” dạng nào?

Với cách đặt vấn đề như vậy, Bergson đã cảm thấy ngạc nhiên, thấy tò mò về những cái mà chúng ta gọi là “biết”. Hiển nhiên rằng có hai loại “hiểu biết”, hai loại “tri thức”. Một dạng mang tính tức thời, định tính, dấu kín bên trong. Một loại mang tính “bên ngoài”, mang đặc trưng hình học, cơ học, có tính định lượng- nói ngắn gọn, đó là những tri thức thuộc về khoa học. Dường như chúng ta bắt gặp lại ở đây thuyết nhị nguyên của Descartes về sự đối lập giữa giữa bản thể tư duy (res cogitans- la chose pensante) và bản thể quảng tính (res extensa - chose étendue), và chúng ta cũng nhớ lại việc Descartes đã đối lập giữa tư duy chủ động với “quảng tính” (étendue) thụ động, một lĩnh vực của quyết định luận. Đúng là có một sự tương tự giữa Descartes với quan điểm nhị nguyên của Bergson, nhưng những quan niệm này không hoàn toàn trùng khớp. Đối với Bergson, trong thực tế, đó là sự đối lập giữa sống trải chủ quan với những gì khoa học đo đếm được tại thế giới bên ngoài.

Theo tôi, tác phẩm đầu tiên của Bergson, đó cũng là luận án tiến sĩ của ông, là tác phẩm xuất sắc nhất. Nó chứa đựng toàn bộ những ý tưởng đã được ông triển khai hoàn chỉnh trong những tác phẩm sau đó. Tác phẩm này có tiêu đề : “Khảo luận về các dữ kiện trực tiếp của ý thức” (Essai sur les données immédiates de la conscience) và xuất bản vào năm 1889. Về mặt hình thức, như chúng ta thấy, đây là một “ khảo luận” chứ chưa phải một nghiên cứu hệ thống, hoàn chỉnh và chặt chẽ. Khảo luận này liên quan đến “các dữ kiện trực tiếp của ý thức”, có nghĩa là những dữ kiện mà cái “bộ máy/cơ chế” nắm bắt và hiểu biết của chúng ta cần nắm bắt trực tiếp nhất có thể, nắm bắt chúng ở trạng thái ít bị biến dạng nhất có thể. Chúng ta muốn tìm thấy cái ý thức mà chúng ta đã thu nhận từ thế giới bên ngoài trong tính tức thời của nó, trong sự toàn vẹn như là nó đã được trao cho chúng ta. Một ý định như thế, một đích ngắm như thế chính là dấu hiệu đặc trưng cho cả thế hệ các triết gia cũng như một số lượng lớn các họa sĩ và những nhà văn đương thời khi đó. Trước hết, họ muốn biểu đạt tính tức thời của các trải nghiệm bên trong, nắm bắt được những dữ liệu tức thời của ý thức, những thao tác này phải thực hiện sao cho họ không bị ảnh hưởng bởi những kiến thức hay hiểu biết (mà họ) đã thu lượm được ở những nơi khác: trong hình học, vật lý hay hóa học. Bản ngã bên trong, thay vì bận rộn sống, lại tự quan sát nghiền ngẫm về mình, rồi chuyển hóa thành một thứ khác, phóng chiếu ra bên ngoài. Cái đó nói lên điều gì? Khi chúng ta thực hành cái mà người ta thường gọi “tự quan sát bản thân”  hay “nội quán”  (một phương pháp được tâm lý học rất đề cao), đối với chủ thể, khi quan sát bản thân, thông thường chúng ta tin rằng mình đã nắm bắt được những dữ liệu tức thời. Nhưng Bergson khẳng địn rằng điều đó là sai. Bản ngã ngay sau khi quan sát chính nó sẽ tự phóng chiếu vào một loại không gian đặc thù, ở đó nó sẽ kết tinh các “ sống trải” như là những đối tượng thuộc về/nằm trong cái không gian tâm lý này. Ví dụ: chúng ta thường đặt tên cho những gì mà tình cảm của chúng ta thu lượm được : đó là những cảm xúc (được gọi là) ghen tỵ hay cảm thông, vui mừng hoặc nhớ nhung hay hoài niệm...Những ấn tượng và các cảm giác này được định danh bằng những từ ngữ giống như khi chúng ta định danh các đồ vật: cái bàn, chiếc ghế và được “định vị hóa” trong một dạng không gian xác định. Theo Bergson, cái không gian này là thứ không gian chúng ta tạo ra để dùng cho cái thời gian của chúng ta. Nhưng trên thực tế, cái thời gian sống trải này đã được chúng ta “nhúng” vào trong một không gian, và chúng ta tự quan sát mình trong cái hành động “ phóng chiếu” ở trong không gian này. Đó là cái Bergson gọi là “ thời gian-không gian”. Vì thế cái thời gian bị “không gian hóa” này là biểu hiện của một thứ thời gian “giả tạo” bởi sự tương tự của nó với không gian, và chính trong thứ thời gian giả tạo này chúng ta đã phóng chiếu các yếu tố tâm lý mà hành động quán chiếu đã trao cho chúng ta, đồng thời với những thao tác: gia cố chúng, đặt tên cho chúng, gán cho chúng những tỷ trọng , những mức độ quan trọng nhiều hay ít....

Nhưng bản ngã thực sự vẫn tồn tại trong thời gian, một dòng thời gian “thực sự”, dòng thời gian đích thực, trong các chiều kích sâu thẳm, được Bergson gọi là “Tồn tục thuần túy” hay “Dòng Tồn tục thuần túy” (Durée pure). Với những ai thực sự muốn nắm bắt được những tư tưởng của Bergson, việc quan trọng hàng đầu là phải hiểu cho được sự đối lập mà ông đã đặt ra giữa hai khái niệm “thời gian được không gian hóa” hay còn gọi là “thời gian-không gian” và với khái niệm “Tồn tục thuần túy”.

***

Ở Bergson, ý thức về bản ngã vì thế được chia thành hai nhánh : một mặt, đó là “đang trở thành” (le devenir) sâu sắc của bản ngã, nơi mà phẩm tính và nội tâm ngự trị, nơi các yếu tố không ngừng hòa quyện vào nhau và liên tục chuyển biến để trở thành “kẻ sáng tạo” trong dòng tồn tục thuần túy; ở mặt kia đó là sự biểu đạt (được) không gian hóa của sự tiến triển này này, được khai triển trong “thời gian giả tạo” (faux temps), trên thực tế không gì khác mà chính là không gian, nơi ngự trị những yếu tố bên ngoài,những yếu tố thuộc về lượng, nói chung đó là những gì còn lại sau khi đã loại trừ đi các dấu hiệu đặc biệt của cái bản ngã sâu sắc. Vì thế một mặt, tồn tại một chiều sâu định tính nơi mọi thứ hòa quyện vào nhau, kết hợp với nhau trong một quá trình tiến hóa sáng tạo. Mặt kia là những thứ gì thuộc bề ngoài ( mang tính) định lượng : nơi các yếu tố được phân tách rời nhau và đặt cận kề bên nhau, chúng được định lượng và định danh, nói ngắn gọn đó là những yếu tố dẫn về cái gọi là tính khách quan của sự vật. Bergson đã sử dụng các loại hình ảnh để làm nổi bật sự tương phản này và vì thế, những hình ảnh này là một trong những nét độc đáo trong tác phẩm của ông. Nhà tư tưởng này thường chọn cách diễn đạt bằng hình ảnh nhiều hơn là bằng các khái niệm. Ông cần phải dùng đến các hình ảnh để đối chọi lại với những biểu hiện được gia cố vững chắc của cái bản ngã đã được không gian hóa. Bản ngã tự nhìn nhận mình thông qua thời gian-không gian, thứ thời gian giả tạo, một thứ thời gian “ đồng tính và thuần nhất” (temps homogène), tại sao chúng lại được gọi là thuần nhất ? Bởi vì chúng là như nhau tại mọi điểm của không gian. Ngược lại, trong trong dòng tồn tục, dòng thời gian “thực”, (thời gian trực cảm, thời gian của các sự kiện tâm linh- ND), thì sẽ không bao giờ có hai thời điểm hoàn toàn giống nhau.

Bergson đã sử dụng hình ảnh sau: chúng ta nghe thấy tiêng chuông đồng hồ, chẳng hạn như sáu tiếng chuông. Bạn sẽ nghe thấy sáu tiếng chuông liên tiếp. Thông thường bạn sẽ coi những tiếng chuông đồng hồ như những cái vạch đứng cạnh nhau đều tăm tắp trong một thứ thời gian đồng tính, một thứ thời gian thuần nhất mà không có gì khác biệt giữa hai thời điểm khác nhau trong không gian này. Và bạn đếm được chúng là sáu vạch. Nhưng đó không phải là tất cả những gì mà cái bản ngã, cái tôi bên trong đã trải qua với sáu tiếng chuông liên tiếp này. Đối vớicái tôi ở bên trong của chúng ta , sáu tiếng chuông đồng hồ tạo ra một loại giai điệu, nó cho thấy tiếng chuông thứ hai khác biệt về “định tính” so với tiếng chuông thứ nhất. Đơn giản vì nó là tiếng chuông thứ hai, đến kế tiếp tiếng chuông thứ nhất, trong cách quan sát “định tính” ý thức đã nhìn thấy nó là (tiếng chuông) thứ hai. Không chỉ chỉ vì tiếng chuông thứ hai đã được đặt cạnh tiếng chuông thứ nhất, mà bởi vì nó là THỨ HAI trong dòng thời gian sống trải thực sự, nó không thể đồng nhất với tiếng chuông thứ nhất, tương tự như vậy, tiếng chuông thứ ba không thể đồng nhất với tiếng chuông thứ hai, tiếng chuông thứ tư không thể đồng nhất với tiếng chuông thứ ba ...Cứ như thế, với sáu tiếng chuông này, không thể đồng nhất tiếng chuông nay với tiếng chuông khác và những tiếng chuông này tạo thành một tập hợp các giai điệu tâm lý của sáu tiếng chuông đồng hồ, chúng ta có thể nói, SÁU ở đây là là một định tính, một phẩm tính của giai điệu này, đó không đơn giản là tổng của các đơn vị giống hệt nhau được cộng lại trong một cái thời gian-không gian.

Chúng ta lại xem xét hình ảnh nữa mà Bergson đã sử dụng. Trong những gì liên quan tới chuyển động, chúng ta thường có khuynh hướng lẫn lộn giữa không gian du hành (l’espace parcouru) mà trong đó chuyển động diễn ra với chính chuyển động đó. Nhưng Bergson đã nhấn mạnh với chúng ta rằng đó là hai sự vật hoàn toàn khác nhau. Không gian du hành, nó thuộc về bên ngoài. Người ta tiến tới một vị trí này từ một vị trí khác. Hãy nghĩ tới nghịch lý mũi tên của Zénon, không gian du hành, đó là quỹ đạo của mũi tên, chúng ta có thể đo nó như là một yếu tố bên ngoài. Nhưng “hành động” của mũi tên, đó là những gì mũi tên thực hiện khi bay theo quỹ đạo, khi di chuyển trong không gian du hành đó. Sử dụng câu chuyện về cuộc chạy đua giữa Achille và con rùa, Bergson đã bác bỏ các lập luận của Zénon. Theo ông, Zénon đã nhầm lẫn giữa chuyển động và không gian du hành. Để minh họa, chúng ta hãy xét hành động giơ cánh tay lên: Trong bên ngoài không gian, chúng ta đối mặt với một số vô hạn các vị trí, nhưng đối với cái nhìn bên trong, hành động giơ cánh tay chỉ là một.

Vì thế Bergson đi đến việc phân biệt hai loại đa tạp (multiplicités): một loại đa tạp định lượng mà người ta có thể đo đếm và ước lượng chúng bằng một con số và một loại đa tạp định tính. Đa tạp định lượng được tạo thành từ những phần tử riêng biệt, nó liên quan đến cái tôi bề ngoài và biểu đạt bằng một thứ ngôn ngữ trìu tượng, áp dụng cho mọi đối tượng. Ngược lại, đa tạp định tính liên quan đến sống trải, đến bản ngã sâu lắng bên trong mà chúng ta không nhìn thấy nhưng luôn hằng sống. Đối với Bergson, đó mới là cái tôi thực sự, không bao giờ là cái mà người ta biểu hiện ra bên ngoài. Đây chính là nơi Bergson tìm thấy cái mà ông gọi là TỰ DO.

Đến đây chúng ta đã có thể hiểu tại sao Bergson lại sáng tạo ra vấn đề tự do trong mối tương quan với quyết định luận. Trong khoa học, nguyên lý của quyết định luận được phát biểu như sau: Mọi thứ đều có một nguyên nhân, và trong những điều kiện giống nhau thì các nguyên nhân sẽ tạo ra những hiệu quả giống nhau. Theo Bergson, quyết định luận vì thế chỉ đúng cho dòng thời gian thuần nhất, đồng tính, loại thời gian-không gian, có nghĩa là đối với “bên ngoài”. Ngược lại nguyên lý của quyết định luận hoàn toàn vô nghĩa trong những gì liên quan đến nội tâm, đến cái tôi bên trong, nơi mà không bao giờ tồn tại hai khoảng khắc giống hệt nhau. Không thể có hai khoảng khắc giống hệt nhau trong cái tôi sâu thẳm ở bên trong bởi trong dòng tồn tục, trong cái dòng thời gian biểu cảm này không thể có sự lặp lại giống hệt nhau. Như chúng ta đã thấy, đối với sự sống trải của cái bản ngã bên trong, tiếng chuông đồng hồ thứ hai không hề là sự lặp lại của tiếng chuông đồng hồ thứ nhất. Vì thế không thể áp dụng thuyết quyết định luận cho bản ngã, cho cái tôi bên trong. Chẳng hạn nguyên lý bảo toàn năng lượng, đúng với mọi định luật trong không gian ( bên ngoài) nhưng hoàn toàn không có một ý nghĩa nào đối với bản ngã sâu xa bên trong, bởi vì cái tôi này, với tư cách là dòng tồn tục, sẽ là một thứ “đang trở thành" sáng tạo, nó luôn tự làm giầu có lên tại mỗi thời điểm nó được trao cho để sống.

Nhưng cái mà Bergson gọi là hành động tự do, đó không phải là một hành động bất kỳ được thực hiện bởi một sự thôi thúc hay một tâm trạng. Hàng động chỉ là tự do khi nó được thực hiện bằng toàn bộ cái bản ngã bên trong. Nó được sản sinh bởi cái đa tạp định tính của dòng tồn tục, nơi chứa trọn vẹn trong nó một quá khứ toàn vẹn của bản ngã. Như vậy, nếu chúng ta sống trong dòng tồn tục chứ không phải sống trong thời gian-không gian, chúng ta sẽ có khả năng thực hiện và hoàn thành một hành động tự do- điều đó có nghĩa rằng chúng ta có khả năng đưa ra một quyết định sâu sắc về toàn bộ sự tồn tại, sự hiện hữu của chúng ta.

Chủ đề về tự do là trọng tâm trong tác phẩm “Ý thức luận. Khảo luận về các dữ kiện trực tiếp của ý thức” của Bergson. Ở đây ông đã định nghĩa tự do như là một hành động tự do của bản ngã sâu xa trong dòng tồn tục.

(Còn tiếp kỳ 2)

zalo