Sách Khai Minh - Phụng Sự Nhân Sinh

XÃ HỘI CỔ SƠ, NHÌN TỪ DIỄN TRÌNH TƯ DUY CON NGƯỜI NGUYÊN THỦY - P2

07/07/2020

Ma thuật, J. G. Frazer khẳng định - có lẽ đã được trực tiếp suy ra từ những phương thức sơ đẳng của lập luận, và thực tế là một sai lầm

XÃ HỘI CỔ SƠ, NHÌN TỪ  DIỄN TRÌNH TƯ DUY CON NGƯỜI NGUYÊN THỦY - P2

Tác giả: ĐOÀN ÁNH DƯƠNG

Nguồn: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số tháng 10 năm 2007

Tiếp theo P1

“Ma thuật, J. G. Frazer khẳng định - có lẽ đã được trực tiếp suy ra từ những phương thức sơ đẳng của lập luận, và thực tế là một sai lầm, ở đó, trí óc gần như rơi xuống một cách tự nhiên, trong lúc đó tôn giáo dựa trên những quan niệm mà rất khó để giả định rằng trí thông minh của loài vật đã có thể đạt tới. Như vậy, có khả năng là ma thuật đã xuất hiện trước tôn giáo, trên bước đường vận động và phát triển của loài người và rằng con người đã tìm cách khuất phục bắt buộc tự nhiên phải phục tùng những mong muốn của mình bằng sức mạnh đơn giản của những bùa chú, phù phép trước khi cố gắng tán tỉnh và làm mềm lòng một khối thần thánh kín đáo, tính khí thất thường, dễ nổi đóa bằng cách luồn lọt ngọt ngào của lời cầu khấn và lễ vật hiến sinh”. Qua việc quan sát về tập tục thờ cúng vị thần lúa mì ở châu Âu, nơi mà tập tục này bảo tồn được những đặc điểm của nghi lễ ma thuật và những biểu hiện của một tôn giáo đa thần, J. G. Frazer khái quát sự khác biệt giữa tư duy ma thuật  tư duy tôn giáo ở buổi bình minh của lịch sử loài người chủ yếu ở mấy phương diện: 1,- nghi lễ ma thuật trong xã hội nguyên thủy tuyệt nhiên không có việc chỉ định một ai đó thực hành nghi lễ trong khi nghi lễ tôn giáo bắt buộc phải có một vị tư tế (là kẻ nắm giữ đồng thời cả thần quyền và vương quyền); tức các nghi lễ ma thuật có thể được tiến hành bởi bất kỳ người nào, không nhất thiết phải là vị pháp sư, khi mà hoàn cảnh đòi hỏi; 2,- nghi lễ ma thuật không cần lựa chọn những địa điểm riêng biệt để hoàn thành các nghi lễ trong khi nghi lễ tôn giáo cần phải được tổ chức ở đền thờ; tức người ta có thể thực hiện nghi lễ ma thuật ở bất cứ nơi nào, khi hoàn cảnh yêu cầu; 3,- nghi lễ ma thuật thừa nhận thần linh trong khi nghi lễ tôn giáo chỉ thừa nhận thần thánh. Nếu thần linh có một số lượng vô hạn, không được định danh cụ thể, hạn chế phép thuật trong một số lĩnh vực, không là khởi nguồn của các truyền thuyết vì thiếu tính cá thể và tính độc đáo thì thần thánh có số lượng hạn hẹp hơn, có những cái tên riêng để gọi, không bị hạn chế phép thuật trong bất cứ lĩnh vực nào dù vẫn có những lãnh địa riêng, tính chất cá thể, lịch sử và những đặc điểm riêng biệt được ghi nhớ trong những huyền thoại và các bức tranh nghệ thuật; 4,- các nghi lễ ma thuật hiển nhiên mang tính ma thuật và mê tín bởi ý niệm dùng giao cảm về vật chất hoặc một thực tế tương đồng hòng kêu gọi những hiệu quả muốn nảy sinh thì nghi lễ tôn giáo lại hướng tới việc cầu phúc bằng cách tranh thủ sự ủng hộ của thần thánh nhờ các lễ vật hiến tế, lời khẩn cầu và lời ngợi ca, tán tụng mang tính chất chủ yếu tinh thần. Rõ ràng, tư tưởng tôn giáo là phức tạp hơn và là bước phát triển tiếp theo của ma thuật trên diễn trình của loài người là một nhận định hợp lý. Dù có nền tảng là ma thuật cổ đại, nhưng bước chuyển từ tư tưởng mê tín dị đoan của ma thuật lên nấc thang tư tưởng duy tâm của triết học, đã ghi một dấu mốc đáng kể trên hành trình hướng tới văn minh của con người.

Tuy nhiên, cũng như quá trình vượt lên của nghi lễ với thực hành ở giai đoạn ma thuật, bước chuyển từ ma thuật sang tôn giáo là một hành trình dài lâu. Thức nhận về sự cằn cỗi của nghệ thuật ma thuật đã dẫn dắt những bộ phận thông minh nhất của giống người tự tạo cho mình một học thuyết chính xác hơn về tự nhiên để có thể lợi dụng được nhiều nhất cho cuộc sống của mình. Tất cả khát vọng ấy bắt nguồn từ biết bao những ngờ vực, ám ảnh khi anh ta dấn thân trên những nẻo đường khác nhau của vũ trụ rộng lớn. Những bài học thất bại dần thức tỉnh anh ta khi học thuyết mà anh ta từng lấy làm điểm tựa dần tan rã từng mảng lớn. Cái ý tưởng mới mẻ là dám công nhận sự thất bại của mình đã dần đưa anh ta đến việc cảm nhận rồi từng bước thừa nhận có những quyền lực siêu nhiên, sau rốt, thừa nhận sự phụ thuộc vào sự vận hành của nó. Tín ngưỡng nảy sinh đã biến một “anh hùng” kiêu ngạo và kiêu hãnh trước kia thành một tín đồ yếu mềm và quỵ lụy trước thần thánh. Con đường hình thành tôn giáo là vậy, nhưng ban đầu nó chỉ nảy nở ở những cá nhân ưu tú nhất có ý thức tương đối rõ rệt về sự mênh mông của vũ trụ và sự nhỏ mọn của con người. Còn với số đông những người nguyên thủy, ý niệm cao siêu ấy chưa một lần thoảng qua trong ý nghĩ. Với niềm tin mơ hồ, họ đón nhận tất cả những giáo lý cao vời từ những vị giáo chủ, thậm chí phát biểu nó thường ngày nhưng thâm căn cố đế của họ vẫn là tư tưởng mê tín cổ xưa của ma thuật. Sự song hành tôn giáo và ma thuật đã trở thành đặc trưng của nền văn hóa nguyên thủy. Dù bản chất của chúng là trái ngược và bản thân tôn giáo cũng không công nhận và cố gắng quét sạch những mầm mống mê tín này nhưng hiệu quả dường như chưa bao giờ như mong đợi.

Các dấu vết của sự giao thoa giữa hai hành động này thậm chí còn là biểu hiện sinh động của nghi lễ tôn giáo mãi về sau này. Bởi trong quá trình phát triển, bằng cách này hay cách khác, một lý thuyết tôn giáo đã ít nhiều buộc phải kết hợp với một thực hành ma thuật. Thậm chí sự phối hợp này trở thành một kinh điển bởi tôn giáo hình như chưa bao giờ trút bỏ được hoàn toàn những trở ngại cũ của ma thuật. Bằng những phân tích của mình, J. G. Frazer cho rằng lễ Noel không có gì khác hơn là chuyển sự tôn thờ thần mặt trời của người nguyên thủy cho sự Giáng sinh một người được coi là vầng mặt trời mới của Công lý: chúa Joshua; rằng lễ Phục sinh chẳng có gì khác biệt so với lễ tưởng niệm bước tái sinh của thần Atys trong tín ngưỡng của người Phrygie; ngày lễ thánh Jean chẳng có gì khác hơn là tàn dư của việc thờ cúng cây cỏ và lễ hội nước của người nguyên thủy; ngày lễ các thánh là bước kế tục lễ hội cổ của đa thần giáo dành cho những người chết; rằng lễ hội Quy Thiên của Thánh Đồng Trinh đã truất quyền lễ hội thần Diane, mà dấu vết thờ phụng vẫn còn ở Némi... Ông viết: “Được xem xét trong tổng thể, những sự trùng khớp của những lễ hội Công giáo với các lễ hội đa thần giáo quá ư rõ ràng và có số lượng quá nhiều để không thể là những trùng khớp ngẫu nhiên. Đó là dấu hiệu của sự thỏa hiệp mà nhà thờ Công giáo, vào giờ phút thắng lợi của mình đã bắt buộc phải thực hiện đối với các đối thủ bị đánh bại, nhưng vẫn còn nguy hiểm”. Ở điểm này, Thiên chúa giáo đã gặp gỡ với Phật giáo ở phương Đông, những lý tưởng cao vời ấy lúc khởi thủy đều là “những cuộc cải cách về đạo đức, nảy sinh từ lòng khao khát độ lượng, từ những khát vọng cao cả, từ lòng trắc ẩn dịu dàng của những nhà sáng lập cao quý” để dìu dắt con người thoát khỏi sai lầm. Đấy là một bước tiến bộ đáng kể. Nhưng những tư tưởng ấy hầu như đã đối nghịch một cách sâu sắc với tính cách yếu đuối và bản năng tự nhiên của loài người, dẫn đến việc không được tuân thủ trong thực hành ngoại từ một số lượng hạn hẹp các môn đồ. Việc “trần tục hóa” như một hình thức “lại giống” là một tất yếu, và là bắt buộc nếu muốn phổ biến niềm tin mới ấy. Việc Thiên chúa giáo “mượn lại” cái vỏ vật chất của đa thần giáo hoàn toàn là một “nước cờ” hợp lẽ để thuyết phục những con người cổ xưa có đặc tính chỉ chăm chú duy nhất vào hành động. Nó cho thấy: “ma thuật cổ đại đã tạo nên những nền tảng đích thực của tôn giáo”; và rằng: “lịch sử tôn giáo là một nỗ lực lâu dài để hòa giải một tập tục cũ với một lý do mới, để tìm ra một lý thuyết hợp lẽ cắt nghĩa một thực hành mơ hồ”.

Sự “lại giống” nếu được coi là nguyên nhân mang tính quy luật thì sự chú tâm vào hành động như một đặc trưng của con người cổ xưa đã trở thành nguyên nhân tiếp theo khiến số đông dân chúng chẳng mấy bận tâm vào việc ta quen gọi là “phân tích các động cơ hành động”. Nghĩa là họ chỉ biết hành động, kiểu như quán tính của tập tục hay vô thức cộng đồng, mà quên đi việc nhận thức bản chất của hành động mà họ đang thực hiện, thậm chí không hề ý thức về điều đó. Vì thế, trên thực tế thì một sự phân biệt rạch ròi giữa một hành vi ma thuật và một hành vi tôn giáo có lẽ chỉ được tiến hành ở những hành vi cụ thể, rằng hành động khi nào hướng tới mục đích tế lễ cho các thế lực tâm linh, cùng với nó là lời cầu khấn thì hành động đó là hành vi tôn giáo, còn khác đi là hành vi ma thuật. Nếu vậy, thì đây lại là một nguyên nhân nữa làm nên sức ỳ của lịch sử, khiến cho hành trình đến với văn minh của con người nguyên thủy càng thêm phần dài dặc. Lý thuyết về bước chuyển từ tư duy ma thuật sang tư duy tôn giáo nhìn chung được J. G. Frazer chỉ ra với những nét đặc trưng như vậy. Rõ ràng, trên cơ sở một lập luận sáng rõ như thế, lý thuyết này thực sự sẽ gợi mở nhiều vấn đề phương pháp luận cho các nhà nghiên cứu Việt Nam trong việc tìm hiểu nền văn hóa cổ truyền của dân tộc. Đồng thời, khối tư liệu đồ sộ được J. G. Frazer hệ thống trong tác phẩm sẽ rất ích dụng cho việc tiến hành các so sánh văn hóa để định hình bản sắc văn hóa Việt Nam. Với đông đảo bạn đọc, cuốn sách sẽ là một nguồn kiến thức hữu ích, phong phú và đa dạng, đặc biệt mới mẻ. Tác phẩm không những hé mở cánh của vào quá khứ mà còn giúp chúng ta giải mã được nhiều hiện tượng quanh ta như là tàn dư của cuộc sống xa xưa trong đời sống hiện tại.    

Tóm lại, nếu như quá trình tiến hóa của tư tưởng con người là như vậy, từ tư duy ma thuật đến tư duy khoa học thông qua tôn giáo, thì bước chuyển thứ nhất có một ý nghĩa vĩ đại, biến con người man dã thành con người văn minh. Đó là cả một hành trình dài dặc gồm thật nhiều những câu chuyện đáng buồn về sự ngớ ngẩn và sai lầm của con người. Tập đại thành đời sống con người cổ xưa trong Cành Vàng, J. G. Frazer đã cung cấp cho chúng ta một “bách khoa thư về văn hóa nguyên thủy”. Sẽ là bổ ích nếu con người ngày nay tìm thấy trong cuốn sách, nơi biểu hiện sinh động và đầy đủ bước chuyển biến thứ nhất của tư duy con người, những bài học hay một niềm hi vọng soi sáng cho chặng đường tiếp theo mà con người đang đi. Hình như cũng sẽ có một chặng đường dài dặc như thế với những câu chuyện đáng buồn khác về sự cố thủ và nỗi ám ảnh của những bóng ma quá khứ. Có hay không một tương lai gần cho sự thắng thế của khoa học, ở cái bước chuyển thứ hai từ tôn giáo sang khoa học mà có lẽ giống như trước, triết học vẫn được xem như một thứ dung môi? Rằng màu sắc của tấm vải tư tưởng con người được dệt bằng các màu sắc đen, đỏ, trắng tương ứng với các loại hình tư duy ma thuật, tôn giáo, khoa học, theo cách liên tưởng của tác giả, sẽ thay đổi như thế nào, có mở ra một chân trời sáng láng hay đắm chìm trong màu đỏ nhức nhối? Nếu như chúng ta thử hình dung vào thời kỳ phát triển rực rỡ của nền văn minh Hy Lạp, Archimedes đã tự tin và vui mừng “eureka” mà rằng: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng bổng cả Trái đất”; đến thời Phục Hưng, G. Galilei vẫn thật quyết đoán: “Dù gì thì trái đất vẫn quay” để bảo vệ thuyết Nhật tâm của mình; thì đến A. Einstein của ngày hôm nay, hình như thái độ ấy đã là “tương đối” khi nhận thức rằng: “Khoa học mà thiếu tôn giáo thì khập khiễng. Tôn giáo mà không có khoa học thì mù quáng”... Chúng ta vẫn nằm trong vùng tuyệt mù của bước chuyển thứ hai, J. G. Frazer nói như vậy và hình như thực tế cũng vẫn vậy. Chỉ có niềm tin của chúng ta có thể sẽ thay đổi. Đề cập đến những vấn đề này để thấy rằng, bên cạnh một nhà bác học uyên thâm, J. G. Frazer còn là một nhà văn bậc thầy, Cành Vàng của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn của cả hai thiên tài ấy. Với cả một chân trời tri thức rộng mở, Cành Vàng thực sự sẽ đem đến cho người đọc niềm hứng khởi bởi những tư tưởng mới lạ, uyên bác của tác giả được diễn đạt bằng một văn phong trong sáng, uyển chuyển, giàu hình ảnh và liên tưởng. Bản dịch sang Việt ngữ của Ngô Bình Lâm đều giữ được những phẩm chất đáng quý ấy ở trong nguyên tác.

 

Hà Nội, tháng 8 năm 2007

Đ. A. D

---------------------

(1) Xin xem:

- Nguyễn Văn Huyên, Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam, (Công trình được giải thưởng Hồ Chí Minh), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003.

- Nguyễn Từ Chi, Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, Nxb Văn hóa dân tộc & Tạp chí Văn hóa - Nghệ thuật xuất bản, Hà Nội, 2006.          

(2) Xin xem:

- Đỗ Lai Thúy, Đinh Hùng, người kiến trúc chiêm bao. Trong sách Con mắt thơ, Nxb Lao động, Hà Nội, 1992.

- Léopold Cadiére, Về văn hóa và tín ngưỡng người Việt, (Đỗ Trinh Huệ dịch), Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1997.

- Trần Ngọc Vương, Mẫu hình hoàng đế và con đường tìm kiếm sự thể hiện bản ngã trong triết học và văn học khu vực Đông Á. Trong sách Văn học Việt Nam, dòng riêng giữa nguồn chung, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998 (tái bản lần thứ nhất).

- Đỗ Trinh Huệ, Văn hóa, tín ngưỡng, gia đình Việt Nam qua nhãn quan học giả L. Cadière, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2000.

- Emily A. Schultz, Robert H. Lavebda, Nhân học, một quan điểm về tình trạng nhân sinh, (Phan Ngọc Chiến, Hồ Liên Biện dịch), Nxb Chính trị quốc gia, 2001.

- V. Ia. Propp, Hình thái học truyện cổ tích; Những gốc rễ lịch sử truyện cổ tích thần kỳ; Lễ hội nông nghiệp Nga... Trong sách Tuyển tập V. Ia. Propp (Nhiều người dịch), Nxb Văn hóa dân tộc & Tạp chí Văn hóa - Nghệ thuật xuất bản, Hà Nội, tập I, 2003; tập II, 2004.

- A. A. Belik - L. P. Voronkova, Nhân học là gì? (Từ Thị Loan dịch), Tạp chí Văn hóa - Nghệ thuật số 3 (237)/2004.

- Đỗ Lai Thúy, Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa, Nxb Văn hóa thông tin & Tạp chí Văn hóa - Nghệ thuật xuất bản, Hà Nội, 2005. 

- Nicolas Journet, Nhân học văn hóa, một và nhiều (Trần Minh Tân dịch), Tạp chí Văn hóa - Nghệ thuật số 10 (256)/2005.

- Đỗ Lai Thúy, Tiếp cận mẫu người văn hóa từ ba làn sóng văn minh, Tạp chí Văn hóa - Nghệ thuật số 02 (260)/2006.

- Phan Ngọc Chiến, Những quan điểm lý thuyết trong nhân học về vấn đề dân tộc, Tạp chí khoa học Đại học mở bán công Thành phố Hồ Chí Minh, số 03 (9)/ 2006.

- Nhiều tác giả, Các vấn đề của nhân học tôn giáo (Sách dịch), Nxb Đà Nẵng & Tạp chí Xưa - Nay xuất bản, 2006.

- Ngô Đức Thịnh, Văn hóa, văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006.

- Ngô Đức Thịnh, Về tín ngưỡng lễ hội cổ truyền, Viện Văn hóa & Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007.

-  Charles Hogue, Côn trùng và văn hóa tộc người (Hương Xuân lược dịch), Tạp chí Văn hóa - Nghệ thuật số 08 (278)/2007.

(3) Nhân đọc James George Frazer, Cành Vàng, bách khoa thư về văn hóa nguyên thủy, (Ngô Bình Lâm dịch), Nxb Văn hóa thông tin & Tạp chí Văn hóa - Nghệ thuật xuất bản, Hà Nội, 2007. 

(Đã in Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số tháng 10 năm 2007)

 

zalo