Sách Khai Minh - Phụng Sự Nhân Sinh

Bộ Sách - Bang Giao Việt-Thanh Thế Kỷ XIX - Việt Nam Và Cuộc Chiến Trung-Pháp (Bộ 2 Cuốn, Bìa Cứng) - Nguyễn Duy Chính, Long Chương

616.000₫ 800.000₫
Tình trạng: Còn hàng

Tác giả: Nguyễn Duy Chính, Long Chương

Dịch giả: Nguyễn Duy Chính

Hình thức: Bìa cứng, 16 x 24 cm, 1227 trang

Nhà Xuất Bản: NXB Tổng hợp TP.HCM, 2022

0971 998 312

Bộ Sách - Bang Giao Việt-Thanh Thế Kỷ XIX - Việt Nam Và Cuộc Chiến Trung-Pháp (Bộ 2 Cuốn, Bìa Cứng) - Nguyễn Duy Chính, Long Chương

1. Bang Giao Việt-Thanh Thế Kỷ XIX

Một khảo cứu mới của TS. Nguyễn Duy Chính, đầy ắp thông tin về một giai đoạn éo le của lịch sử cận đại Việt Nam. Bài này sẽ được in trong sách QUAN HỆ VIỆT - THANH THẾ KỶ XIX: TƯ LIỆU VÀ BÌNH LUẬN, do Tao Đàn Thư Quán liên kết với Nxb Tổng hợp TPHCM xuất bản, sẽ phát hành vào tháng 4/2022.

TỪ TỜ CHIẾU CẦN VƯƠNG ĐẾN LÁ THƯ CẦU VIỆN CỦA VUA HÀM NGHI

Bài của TS. NGUYỄN DUY CHÍNH

1. CHIẾU CẦN VƯƠNG

Ngày mồng 9.4. 2018, công ty La Gazette Drouot tại Paris có bán đấu giá một số cổ vật Đông Dương trong đó có một tờ chiếu của vua Hàm Nghi kêu gọi người dân Việt Nam hợp lực nổi lên đánh đuổi người Pháp với giá phỏng định khoảng 5.000 đến 8.000 euro.(1)

Từ những chi tiết kèm theo thì từ một bản dịch năm 1890, tờ chiếu này có nhan đề Grande Proclamation Imperiale Dressee Aux Officiers Et Aux Masses Populaires De La Resistance Du Sud (Chiếu gửi quan dân nổi dậy ở miền nam) được ban bố ngày mồng 1 tháng Sáu năm Hàm Nghi 5 nhằm ngày mồng 3 tháng Juillet năm 1889 dương lịch, nội dung vua Hàm Nghi gửi lời kêu gọi nổi lên chống Pháp với sự giúp đỡ của nước Đức (L’ Empereur Ham Nghi, Lance Un Appel A La Resistance Contre La France Avec L'aide De l’Allemagne). Tờ chiếu này do nhà cầm quyền Pháp lấy được năm 1889.

Ngoài chiếu thư, chúng tôi cũng phiên dịch một văn bản khác yêu cầu nhà Thanh giúp cho việc thiết lập một căn cứ ở Bảo Lạc, Mục Mã là đất giáp với tỉnh Quảng Tây của Trung Hoa để làm nơi nương náu. Cứ như nội dung và sự tình lúc bấy giờ, việc tìm một mảnh đất “hương hỏa” có thể coi như biện pháp sau cùng của triều đình Hàm Nghi, tương tự như gần 100 năm trước khi người nhà Lê xin vua Càn Long yêu cầu vua Quang Trung dành cho họ một nơi nương náu, không khác gì nhà Mạc thuở nào xin nhà Minh một mảnh đất ở Cao Bằng để dung thân mà không bị đối phương làm hại.

So sánh với hoàn cảnh chung của những triều đại thất thế, từ Mạc, Lê, Tây Sơn, Nguyễn thì chúng ta thấy tất cả đều đi theo giải pháp “chạy sang Tàu cầu cứu” và nếu việc nương nhờ quân sự không khả thi thì biện pháp sau cùng là xin cho một vùng ở sát biên giới hương khói tổ tiên.

Xuyên qua lý giải này, chúng ta có thể nhìn lại tờ chiếu Cần Vương mà người Pháp tìm thấy và cảnh ngộ của những vong thần nhà Nguyễn đứng đầu là Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn khi an tháp ở Trung Hoa. Cho nên, việc nhận định về hai văn bản này đều dựa vào hoàn cảnh thực của những người soạn thảo - tức nhóm Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Quang Bích - chứ không liên quan gì đến bản thân vua Hàm Nghi, khi đó đang ở trong tay người Pháp và không còn liên lạc gì với các nhóm Cần Vương đang hoạt động.

1.1. Đính chính một vài sai lầm

Những chi tiết trên thông cáo trong quảng cáo của La Gazette Drouot có vài điểm cần đính chính. Theo ngày tháng đề trên tờ chiếu chúng tôi đọc được thì là ngày mồng 6 tháng Sáu năm Hàm Nghi thứ 5 (chứ không phải ngày mồng 1). Trên những văn thư quan trọng số 6 (六: lục) đều dùng chữ lục kép (陸) để người khác không thể chữa được. Chữ này khác với chữ nhất kép (壹) mà người ta đã đọc nhầm. Sở dĩ tờ chiếu được xem là kêu gọi người nổi dậy ở phương nam vì nội dung bao hàm ý là nhà vua đã chạy được sang Trung Hoa và từ đó gửi lời hiệu triệu cho thần dân ở trong nước.

Cũng một chữ khác, Đức quốc trong bản văn mà nhà vua nêu ra không phải là nước Đức ở Âu châu (Allemagne) mà là một chữ tôn xưng Trung Hoa. Đức có nghĩa là vĩ đại, tương tự như Đức Phật, Đức Chúa… mà người ta vẫn gọi. Chỉ cần suy nghĩ bình thường chúng ta cũng loại trừ được khả năng triều đình Hàm Nghi có thể sang Đức cầu viện trong lúc này.

Sửa lại những chi tiết về ngày tháng, chúng ta có thể kết luận rằng tờ chiếu này được ban bố ngày mồng 6 tháng Sáu năm Hàm Nghi thứ 5. Theo Đại Nam thực lục, đệ ngũ kỷ, quyển V thì ngày Quí Mùi (tức ngày 11) năm Giáp Thân (1884) tháng Sáu, mùa hạ “quần thần rước tự quân đến điện Cần Chính nhận bảo tỉ truyền quốc và áo bào muôn năm nối ngôi, dâng thư rước lên ngôi vua … Giáp Thân (tức ngày 12), Tự quân lên ngôi ở điện Thái Hòa, lấy sang năm là Ất Dậu (1885) làm năm Hàm Nghi thứ nhất, ban bảo chiếu cho khắp trong ngoài …”.(2)

Tính ra như thế, ngày vua Hàm Nghi lên ngôi là ngày 11 tháng Sáu năm Giáp Thân, nhằm ngày mồng 1.8.1884. Ngày tờ chiếu này được ban bố là ngày 6 tháng Sáu năm Hàm Nghi 5 (Kỷ Sửu), nhằm ngày 3.7.1889. Tuy nhiên, vua Hàm Nghi đã bị Pháp bắt từ cuối năm 1888 mặc dầu ngày được ban bố có thể khác với ngày đã soạn tờ chiếu này.

Sử nước ta chép rằng vua Hàm Nghi được Tôn Thất Thuyết và các người thân tín đưa vào trong rừng núi vùng biên giới Lào Việt để tổ chức một chiến khu. Sau mấy năm lẩn trốn trong rừng, vua Hàm Nghi bị nội gián nên người Pháp đã tập kích và bắt được ông rồi đem sang Algérie an trí. Ông ở đây cho đến khi qua đời.

Vua Hàm Nghi tên thật là Ưng Lịch, họ Nguyễn Phúc nhưng khi lên ngôi thì lấy theo kim sách qui định từ thời Minh Mạng nên lấy tên là Nguyễn Phúc Minh gọi là “lễ thay tên”.(3) Ông cũng còn một biệt hiệu tự đặt khi vẽ hay viết là Tử Xuân. Theo Amandine Dabat trong Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger (Paris: Sorbonne Université Presses, 2019), căn cứ trên một bản báo cáo của đại uý Boulangier là người chỉ huy cuộc vây bắt thì vua Hàm Nghi bị bắt ngày 29.10.1888 mặc dù tài liệu Việt Nam có những ghi chép khác hơn.(4)

Sau khi bị bắt, vào khoảng ngày 22.11.1888, vua Hàm Nghi bị đưa đến Thuận An để Viện Cơ Mật xác định được chính là ông rồi từ đó ông bị đưa đi Đà Nẵng đêm hôm 24.11.1888. Từ lúc bị bắt, nhà vua giữ im lặng, không xưng tên hay biểu lộ thân thế của mình. Vì ông không nhận mình là vua Hàm Nghi nên người Pháp phải cho gọi những người trong triều, các thị thần và thân nhân đến nhận diện.(5) Để ngụy trang, ông vua trẻ làm như một người dân thô lỗ không biết lễ nghi triều đình nhưng người Pháp có hơn một cách để xác định chính là cựu hoàng. Lúc đầu họ định an trí ông ở Saigon để ông đứng ra kêu gọi những nhóm cần vương giải tán nhưng sau đó thấy việc đó có thể gây ra bất lợi nên họ đưa ông sang Algérie.

Tuy dùng niên hiệu Hàm Nghi, những dụ chỉ hay hịch văn của nhóm người theo ông vào lập chiến khu trong rừng thường không phải do ông ban bố. Khi chạy ra khỏi hoàng thành, nhà vua mới có 14 tuổi, mọi việc đều ở trong tay quan phụ chính Tôn Thất Thuyết nên chúng ta hãy coi như đây chỉ là nhân danh, dù đúng, dù sai ông cũng không dự phần.

1.2. Diễn tiến giao thiệp với nhà Thanh

Khi vua Hàm Nghi xuất bôn, những người đi theo liền phát hịch đi các nơi kêu gọi dân chúng nổi lên đánh Pháp. Ngày 16 tháng Một năm Quang Tự 11 (1885), vua Hàm Nghi sai Hoàng Tá Viêm (黄佐炎), Nguyễn Quang Bích (阮光碧) đem quốc thư chia làm hai đường sang Vân Nam và Quảng Tây để báo với nhà Thanh và xin giúp đỡ.

Cuối năm Ất Dậu (1885) quan nhà Thanh đã biết tin về biến động tại Huế. Tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Chi Động điện cho Tổng Lý Nha Môn ở Bắc Kinh: “Hàm Nghi mới dời ra Cam Lộ, lại chạy sang phủ Trấn Trại, nghĩa quân nổi lên khắp nơi, giáo dân cũng chống lại người Pháp”.(6)

Tổng đốc Vân Quí Sầm Dục Anh, và nội các học sĩ Chu Đức Nhuận tâu lên:

“Cứ như thượng thư bộ Lễ của Việt Nam là Nguyễn Quang Bích kể ra thì Việt Nam đã suy tôn con nối nghiệp là Nguyễn Phúc Minh bị người Pháp ép đuổi đi nên chạy sang Quảng Trị, hiệu triệu chư quân ứng nghĩa ở Bắc Kỳ để cố sức hưng phục, rồi lại chạy ra Nghệ An, Hà Tĩnh, chặn giữ những nơi hiểm yếu để cố thủ, dân chúng đi theo càng nhiều. Người Pháp biết thần dân hạ quốc chưa quên chủ cũ, khó mà tự lập nên đến tháng Tám, Quang Tự 11 (1885) cùng với bọn phản thần Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Hữu Độ ủng lập con nhỏ của tiên quốc vương là Nguyễn Chánh Mông, chiếm cứ Phú Xuân, cải hiệu Đồng Khánh nhưng dân chúng không theo”.

Nguyên tổng đốc Sơn Hưng Tuyên sung hiệp thống quân vụ của Việt Nam là Nguyễn Đình Nhuận (阮廷潤), nguyên Lạng [Sơn] [Cao] Bằng tuần phủ sung tham tán sự vụ Lã Xuân Uy (呂春葳), Sơn Tây tuần phủ tham tán quân vụ Nguyễn Văn Giáp (阮文甲)… cùng với các thân hào kỳ lão ở Bắc Kỳ cũng gửi thư cầu xin Trung Quốc viện trợ để mưu tính việc khôi phục.

“… Bọn chúng tôi phụng mệnh vua của hạ quốc, tập hợp thân hào trung nghĩa ở Bắc Kỳ, tuỳ cơ mà đánh hay giữ, nay lo liệu lương thực để đợi thiên binh.

Hiện nay sĩ dân các tỉnh của hạ quốc là Bắc Ninh, Sơn Tây, Hải Dương, Nam Định, Hưng Yên hưởng ứng, hễ chúng đưa phu dịch đi chuyên chở binh lương đều không ai chịu theo. Còn như các binh lính đã chiêu mộ và phủ huyện thuộc về chúng nay cũng đều quay về. Gần đây ở Thạch Sơn, Cảnh Lộc mấy lần thắng được địch, họp thành đoàn tập luyện, liên lạc lẫn nhau để cùng làm việc. Người Pháp ra lệnh nhưng không nghe theo, từ Nghệ Tĩnh về phía nam, sĩ dân các tỉnh đều nổi lên chiếm giữ các nơi để chia thế của giặc.

Liên tiếp có quốc tang, vua trẻ kế vị, nguy thay sáng không lo nổi buổi chiều, chỉ sợ một ngày sụp đổ, để thiên triều phải lo, chống đông, đỡ tây, không được ngày nào rảnh tay. Lại thêm giống người kia tìm đủ cách để chặn đường sứ giả, e rằng bầy tôi nước Sở khóc đấy nhưng không được khóc ở sân nước Tần, chim nhạn đất Lỗ ai oán kêu than, nhưng đâu vang tới tận nước Tấn?

Quốc vương nước tôi một thân mang nặng trách nhiệm triều đình xã tắc, đâu có thể ngồi mà chờ mất, đành phải chạy ra mà lo giữ nước”, “như bọn kẻ dưới chúng tôi, nước vỡ vua dời đi, phận mình chỉ còn một cái chết, thế nhưng chưa dám chết, vì chưng vua cũ trước đây, một lữ có thể lấy lại nước, nghìn nhà có thể còn nước Việt, dựa vào núi non hiểm trở để cùng với quốc vương nước tôi lo việc sống còn”. Nếu như “đại binh sớm tới, mặt trời lại lên, không phải chỉ là quốc vương nước tôi, mà miếu xã cũng được trở lại vậy”.(7)

2. LÁ THƯ CẦU VIỆN

Hiện nay, trong bộ Trung Pháp Việt Nam giao thiệp đáng còn có những văn bản của triều đình Hàm Nghi liên lạc với nhà Thanh.( Theo những chi tiết, chúng ta thấy có hai giai đoạn mà mỗi thời kỳ thì sự trông đợi của nhóm Tôn Thất Thuyết có khác.

Khi vừa đem triều đình chạy ra Quảng Trị, Tôn Thất Thuyết liền cho người sang cầu viện nhà Thanh, yêu cầu họ xuất quân đánh Pháp để quân Việt Nam hưởng ứng và nổi lên ở trong nước, tạo ra thế người Pháp phải đối phó với sự chiến đấu ở nhiều nơi. Đó là nội dung tờ bẩm ngày mồng 6 tháng Một, năm Ất Dậu (1885).

2.1. Tờ bẩm của vua Hàm Nghi xin nhà Thanh xuất quân giúp đánh Pháp (tháng Một, Ất Dậu 1885)

Ngày mồng 6 tháng Chín (năm Quang Tự 12, 1886), tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Chi Động gửi tấu thư lên Thanh triều trong đó có chép lại một số văn thư của “triều đình lưu vong” và một tờ bẩm của quốc vương Nguyễn Phúc Minh, có lẽ đây là bản đầu tiên [viết từ tháng Một năm Ất Dậu (1885) và do các quan chuyển sang Trung Hoa tháng Giêng năm Bính Tuất (1886)]. Khoảng nửa năm sau, không thấy hồi âm, các quan Việt Nam ở miền bắc [có lẽ theo lệnh Tôn Thất Thuyết] lại gửi sang một tờ bẩm để nhắc lại lời thỉnh cầu, trích lục ra như sau:

… Con thừa tự của tiên quốc vương nước Việt Nam Nguyễn Phúc Thì là Nguyễn Phúc Minh kính cẩn bẩm lên Quảng Tây phủ bộ viện thiên triều đại nhân các hạ xem xét. Xét hạ quốc vốn được thiên triều vun trồng, ban cho chức phận một phương đã mấy trăm năm qua. Tiên phụ Minh tôi là Nguyễn Phúc Thì đã bị bệnh qua đời vào tháng Sáu năm Quang Tự 9 (Quí Mùi, 1883), người trong hạ quốc đưa em ông ta là Nguyễn Phúc Thăng (阮福昇) [Hiệp Hòa] trông coi việc nước, được bốn tháng, Nguyễn Phúc Thăng tự thấy thân thể bệnh tật không kham nổi nên nhường lại cho con kế nghiệp của cha tôi là Nguyễn Phúc Hạo (阮福昊) [Kiến Phúc] lên kế nghiệp, đó chính là thân huynh của Minh vậy.

Ấy là vào tháng Sáu và tháng Một năm Quang Tự 9 (Quí Mùi, 1883), mọi việc đã bẩm lên cho tổng đốc Lưỡng Quảng đại nhân và Vân Quí đốc bộ đường đại nhân khẩn khoản xin đề đạt cửu trùng ở xa không biết đã lên tới chưa.

Đến tháng Sáu năm Quang Tự 10 (Giáp Thân, 1884), tiên huynh của Minh là Nguyễn Phúc Hạo bị bệnh chết, di chúc cho Minh theo thứ tự mà lập nên, nối tiếp sự nghiệp của cha Minh, lo liệu việc nước để đợi ân mệnh.

Nay các tỉnh ở Bắc Kỳ của nước tôi đều bị người Pháp chiếm cứ, cửa biển dọc theo duyên hải đều bị họ phong cấm, thuỷ lục đều bị bế tắc, nạn gấp của hạ quốc, không thể bề trên không nghe đến. Thế nhưng trong mấy năm qua người Pháp thường gây sự với hạ quốc, tháng Bảy năm Quang Tự 9 (Quí Mùi, 1883), toàn quyền Pháp Hà La Mang (Harmand) đem binh thuyền xông vào bên ngoài đô thành của hạ quốc là cửa biển Thuận An, công phá các đồn luỹ, ép phải ký hiệp ước 27 điều khoản để đổi điều ước cũ năm Giáp Tuất (1874).

Khi đó tang sự của tiên phụ vương Minh này là Nguyễn Phúc Thì chưa xong, trong ngoài đều sợ không thể không theo. Đến tháng Năm năm Quang Tự 10 (Giáp Thân, 1884), tiên huynh vương của Minh [Kiến Phúc] đang lúc bệnh nặng, toàn quyền Pháp là Ba Đức Na (Patenôtre) lại đem thêm binh thuyền vào cửa Thuận An, bộ binh đột nhiên tấn công đô thành của hạ quốc, ép đổi lại hoà ước khác thay cho các điều khoản Hà La Mang đã định, lại ép lấy nguyên phụng tích phong quốc ấn đem nấu chảy. Y lại ép phải cho đem binh vào đóng ở trong thành nội và phế bỏ quan lại đang ở các tỉnh Bắc Kỳ, ép mấy vạn dân đinh xua ra chiến địa.

Mấy lần binh của thiên triều sang giúp đỡ thì hễ đến nơi nào, hoặc là lương thực trên đường đi, hoặc theo quân để nấu ăn, hoặc thông hỏi tin tức để do thám thì đầu bắt hết một lượt, dân chúng nhiều phần bị thiêu giết cực tàn khốc. Người Pháp ở nước tôi lúc đầu tàm thực, sau muốn nuốt chửng. Mấy năm nay nhờ có thiên triều ra lệnh cho tướng đem quân qua để chủ trì nên họ cũng còn có chỗ e dè, đến khi thua trận mấy lần nên đành phải xin hoà và được chấp thuận, tưởng bọn họ sẽ mãi mãi không còn dám đè nén hạ quốc, mà tuân theo những điều khoản trong hoà ước, thế thì vua tôi hạ quốc cũng thật may mắn vậy.

Nào ngờ bọn họ nhân thế mà đắc chí, tháng Năm năm nay (Ất Dậu, 1885), đô thống của họ đột nhiên tăng thêm binh thuyền đưa tới, hợp với những thuyền đã có từ trước, tính chuyện bức chiếm để bảo hộ. Từ đó hành hoành hung bạo, thế không nhịn được nữa nên ngày 22 tháng đó cùng với bọn họ giao chiến, ước chừng 4 giờ, giết được số đông bọn chúng. Không ngờ chúng bắn đại pháo kịch liệt, sức của hạ quốc không chống nổi nên phải dẫn bầy tôi, chạy ra các tỉnh dựa vào núi mà đóng quân, kêu gọi dân chúng, bầy tôi trong nước lo chuyện chống lại.

Đến tháng Sáu (Ất Dậu, 1885) lập tức gửi thư kể rõ tình trạng bẩm lên quí phủ bộ viện đại nhân, cùng với Vân Quí đốc bộ đường đại nhân, cứ thực tình mà xin giúp đỡ. Thế nhưng đường sá khó khăn, e rằng chưa tới được. Nay Minh này đang đóng trong vùng núi non tỉnh Hà Tĩnh [cách Bắc Kỳ bẩy tám ngày đường], thân hào các tỉnh đều thiết tha nhớ cũ nên đều tụ tập nghĩa binh đứng lên. Từ Thanh Hoá, Ninh Bình trở về bắc thì bị binh thuyền của họ chiếm cứ, hiệu lệnh khó thi hành nên sức lẻ loi khó mà tự lập, vậy mong tích phong quốc ấn như tổ tiên ông cha của Minh này từng nhận của thiên triều vậy.

Khi anh của Minh còn tại thế, quốc ấn cũng không giữ được, nay lại không bảo vệ được đô thành, đắc tội rất nhiều. Gần đây người Pháp lại ủng lập người khác lên làm quốc trưởng, cùng ở đô thành, mọi điều khoản đều tuân theo, thật là khinh khi coi rẻ tiểu quốc. Lại dám khinh mạn giềng mối của thiên triều, thật công pháp của các nước không thể nào dung tha được. Minh tuy tuổi còn nhỏ nhưng cũng còn chút trí năng, không thể không cố gắng. Thế nhưng đang lúc bôn ba nếu không dựa vào cái đức tái tạo của thiên triều thì không thể nào mưu tính gì được.

Vậy trông lên quí đại thần xem xét cái tình hình bức thiết của nước dưới, theo như thế mà thay mặt tâu xin cho, may được dụ chỉ chấp thuận mà ra lệnh cho tướng xuất quan, kể tội đánh dẹp. Hạ quốc nguyện hết sức đem quân sĩ mà đi theo. Lại mong được xá tội ban cho phong chương (quốc ấn phong cho) để dựa vào ân sủng mà hiệu lệnh người trong nước, thu phục cương thổ để được mãi mãi làm ngoại phiên mà giữ vững được lòng nhân nuôi nấng kẻ nhỏ của thiên triều, cái nghĩa cứu kẻ bị tai ương, vỗ về người bị nạn. Như thế thì không phải chỉ một mình Minh này ghi lòng tạc dạ không quên, mà trăm họ hạ quốc cũng đều đội ơn vô hạn vậy.

Nay xin hết lòng thành thật giãi bày tội để xin lệnh trên, tự biết là mạo muội quấy rầy, gửi thư không khỏi không trông ngóng. Thêm nữa quốc ấn đã bị bọn chúng ép lấy mất rồi nên điểm chỉ để giao cho tỉnh Lạng Sơn đệ nạp cho khỏi trở ngại mong được xét đến mà sớm ban cho phúc thư. Nay cúi bẩm.

Quang Tự 11 (Ất Dậu, 1885), ngày mồng 6 tháng Một.

Nguyễn Phúc Minh.(9)

2.2. Tờ bẩm xin được cho sống tại Mục Mã, Bảo Lạc (khoảng nửa sau năm Bính Tuất, 1886)

Theo lời trình của Trương Chi Động thì tiền tổng đốc Sơn Tây của Việt Nam là Nguyễn Đình Nhuận (阮廷潤) đã sai người là Vũ Khắc Khoan (武克寬) thay mặt đem sang Quảng Tây một tờ bẩm nhân danh các quan ở Bắc Kỳ nhưng có lẽ là lời của Tôn Thất Thuyết (con dấu tham tán quân vụ), nguyên văn như sau:

“… Tiền tỉnh lại Sơn Tây của Việt Nam là Nguyễn Đình Nhuận, tỉnh lại của Lạng Sơn là Lã Xuân Uy (呂春葳), tỉnh lại Cao Bằng là Nghiêm Xuân Phương (嚴春芳) cúi bẩm lên viên môn tổng đốc Lưỡng Quảng thiên triều Trương đại nhân xem đến.

Hạ quốc hồi tháng Năm năm ngoái (Ất Dậu, 1885) bị người Pháp áp bức nên tự quân nước tôi phải chạy trốn, đã đem tình hình do tổng đốc Vân Quí và tuần phủ Quảng Tây bẩm lên đề đạt nhưng chưa nhận được ân mệnh. Tháng trước ở sơn phòng tỉnh Hà Tĩnh, lại soạn văn bản tuân theo lệ bẩm lên phủ bộ đường tỉnh Quảng Tây.

Sách Việt Nam Và Cuộc Chiến Trung - Pháp. Tác giả Long Chương

 

Sách Việt Nam Và Cuộc Chiến Trung - Pháp. Tác giả Long Chương - 2

 

Sách Việt Nam Và Cuộc Chiến Trung - Pháp. Tác giả Long Chương - 3

 

NGUYỄN DUY CHÍNH
(Tháng 6 năm 2021)

Bước 1: Truy cập website và lựa chọn sản phẩm cần mua để mua hàng

Bước 2: Click và sản phẩm muốn mua, màn hình hiển thị ra pop up với các lựa chọn sau

Nếu bạn muốn tiếp tục mua hàng: Bấm vào phần tiếp tục mua hàng để lựa chọn thêm sản phẩm vào giỏ hàng

Nếu bạn muốn xem giỏ hàng để cập nhật sản phẩm: Bấm vào xem giỏ hàng

Nếu bạn muốn đặt hàng và thanh toán cho sản phẩm này vui lòng bấm vào: Đặt hàng và thanh toán

Bước 3: Lựa chọn thông tin tài khoản thanh toán

Nếu bạn đã có tài khoản vui lòng nhập thông tin tên đăng nhập là email và mật khẩu vào mục đã có tài khoản trên hệ thống

Nếu bạn chưa có tài khoản và muốn đăng ký tài khoản vui lòng điền các thông tin cá nhân để tiếp tục đăng ký tài khoản. Khi có tài khoản bạn sẽ dễ dàng theo dõi được đơn hàng của mình

Nếu bạn muốn mua hàng mà không cần tài khoản vui lòng nhấp chuột vào mục đặt hàng không cần tài khoản

Bước 4: Điền các thông tin của bạn để nhận đơn hàng, lựa chọn hình thức thanh toán và vận chuyển cho đơn hàng của mình

Bước 5: Xem lại thông tin đặt hàng, điền chú thích và gửi đơn hàng

Sau khi nhận được đơn hàng bạn gửi chúng tôi sẽ liên hệ bằng cách gọi điện lại để xác nhận lại đơn hàng và địa chỉ của bạn.

Trân trọng cảm ơn.

zalo