Sách Khai Minh - Phụng Sự Nhân Sinh

Gốm Cây Mai - Đề Ngạn Sài Gòn Xưa - Huỳnh Ngọc Trảng Nguyễn Đại Phúc

207.000₫ 230.000₫
Tình trạng: Còn hàng

Tác giả: Huỳnh Ngọc Trảng Nguyễn Đại Phúc

Hình thức: Bìa mềm, 19 x 26 cm, 230 trang

Nhà xuất bản: NXB Văn Hóa - Văn Nghệ, 2023

0971 998 312

Gốm Cây Mai - Đề Ngạn Sài Gòn Xưa - Huỳnh Ngọc Trảng Nguyễn Đại Phúc

Tác phẩm có hình ảnh màu minh họa

Trích (GỐM CHỢ LỚN CÂY MAI: NHỮNG DẤU TÍCH CÒN TỒN TẠI)

--- Trương Vĩnh Ký trong lời chú giải bài Phú cổ Gia Định phong cảnh vịnh, trích dẫn trên cho biết: “Xóm Lò Gốm ở làng Phú Lâm, rạch thông ra ngã tư, thông về cầu Khâm Sai. Chỗ người ta làm đồ gốm, xây vò, chậu, lu, mái, làm việc như ông Bàn Cổ xây trời”. Làng Phú Lâm có lẽ là Trương Vĩnh Ký căn cứ vào thực tế của cuối thế kỷ XIX với một giới hạn ở vùng quanh đồn Cây Mai. Còn trong Bản đồ Gia Định - Sài Gòn của Nguyễn Văn Học, xóm Lò Gốm nằm ở phía ngoài bến Bình Đông, vùng đất hai bên kinh Ruột Ngựa gồm cả làng Hòa Lục (quận 8) và Phú Định (quận 6) ngày nay. Nói cách khác, xóm Lò Gốm trải dài theo rạch Lò Gốm - bến Lò Gốm đến tận Phú Lâm, gồm cả khu vực đồn Cây Mai - Bến xe Chợ Lớn - Cây Gõ. Dấu vết lịch sử của xóm Lò Gốm còn tồn tại là tên rạch và bến Lò Gốm, đường Lò Siêu và có thể cả đường Xóm Đất (thuộc quận 11, TP. Hồ Chí Minh).

Kết quả điều tra thực tế cho biết rằng lò gốm Cây Mai nằm ở sau đồn Cây Mai, khai thác đất tốt nhất là ở quanh “ngã ba Ông Tiều” (nay là ngã năm, giao lộ Nguyễn Trãi - Hùng Vương và Nguyễn Thị Nhỏ). Ngày xưa từ đồn Cây Mai có con rạch nhỏ, nằm trên đường Nguyễn Thị Nhỏ chảy thông ra đường Lê Quang Sung, đổ ra cầu Cây Gõ và chảy vào rạch Lò Gốm, rạch này nay đã bị lấp. Đó là đường thủy vận chuyển đồ gốm mà Péralle đã nói đến.

Theo lời kể của một người địa phương cố cựu là ông Nguyễn Văn Thìn (sinh năm 1911, nhà số 574 đường Phạm Văn Chí, quận 8, TP. Hồ Chí Minh): Vào khoảng 1920 - 1930 có các lò chén, lò siêu, lò lu nằm trải dài trên bờ rạch Lò Gốm (phía bên đường Bến Lò Gốm) từ cầu Phú Lâm đến cuối đường Trần Văn Kiểu ---

Lời nói đầu:

Sách Gốm Cây Mai, Sài Gòn xưa xuất bản năm 1994.

Từ đó đến nay, gốm Cây Mai được nhiều người quan tâm tìm hiểu, và đặc biệt, chúng trở thành đối tượng của các nhà sưu tập từ Nam chí Bắc. Kết quả là đã có nhiều phát hiện mới về số lượng, chủng loại gốm Cây Mai được sưu tập. Tất cả những điều mới mẻ này đã đặt ra yêu cầu tái bản tập sách với sự sửa chữa và bổ sung các thiếu sót mà dữ liệu thực tế hơn hai mươi năm về trước không có điều kiện tiếp cận để có những hiểu biết thấu đáo cần thiết. Công việc bổ sung và hiệu đính chủ yếu là do Nguyễn Đức Huy và Lưu Kim Chung thực hiện.

GỐM CÂY MAI - ĐỀ NGẠN SÀI GÒN XƯA gồm 3 phần chính: VÀI TƯ LIỆU LỊCH SỬ GỐM CÂY MAI Ở ĐỀ NGẠN; GỐM CHỢ LỚN CÂY MAI: NHỮNG DẤU TÍCH CÒN TỒN TẠI; GỐM CÂY MAI: THỂ LOẠI VÀ ĐẶC ĐIỂM.

Về hình ảnh có: GỐM GIA DỤNG; GỐM XÂY DỰNG; GỐM GIA DỤNG BÀI TRÍ; GỐM THỜ TỰ; TƯỢNG THỜ; TƯỢNG TRANG TRÍ; NGÕA TÍCH TRANG TRÍ 

Phụ lục: DÒNG GỐM HẬU CÂY MAI; ĐẶC PHẨM CÔNG NGHỆ MIẾU VŨ; GỐM BIÊN HÒA Ở NGHĨA NHUẬN HỘI QUÁN;GỐM THẠCH LOAN

Sách được tái bản lần này là nhờ sự động viên và giúp đỡ của nhiều người, đặc biệt là các nhà sưu tập gốm Nam bộ. Chúng tôi chân thành cảm ơn sự hỗ trợ chí tình và những chỉ dẫn tường minh liên quan đến các hiện vật gốm Cây Mai.

Nhóm biên soạn

Gốm Cây Mai – Đề Ngạn Sài Gòn xưa

Xóm Lò Gốm là một địa danh được nhắc đến trong sách Gia Định Thành thông chí và được ghi trên bản đồ Gia Định – Sài Gòn do Trần Văn Học vẽ vào năm 1815. Hoạt động của xóm Lò Gốm này cũng được nói đến trong bài Phú cổ Gia Định phong cảnh vịnh, sáng tác vào đầu thế kỷ XIX:

Cắc cớ chợ Lò Rèn,

Chạc chạc nghe nhà Ban đánh búa;

Lạ lùng xóm Lò Gốm,

Chơn vò vò Bàn Cổ xây trời.

Đây là những cứ liệu cổ xưa nhất nói về xóm Lò Gốm, xác định sự hiện hữu của nghề làm gốm ở xứ Đề Ngạn/Sài Gòn xưa. Cũng có thể kể thêm là tấm biển “Đào Lư hội quán” (Hội quán Lò gốm) được tạo tác vào năm  Giáp  Thân  (1884)  hiện  tồn  ở  đình  Phú  Hòa  (phường  11,  quận  6, TP. Hồ Chí Minh) và danh mục các lò gốm được liệt kê trong tấm bia Xưởng thiết cơ khí thủy xa bi ký ở Hội quán Tuệ Thành (1898).

VÀI TƯ LIỆU LỊCH SỬ GỐM CÂY MAI Ở ĐỀ NGẠN

1. Cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, tình hình sản xuất gốm ở Nam kỳ được một số tác giả người Pháp đề cập đến trong các tạp chí nghiên cứu và trong các địa phương chí các tỉnh ở Nam kỳ. Đặc biệt tường tận là bài khảo cứu về kỹ nghệ làm đồ đất nung ở Nam kỳ của đại úy công binh Derbès. Ở đây Derbès cho biết ở Chợ Lớn, hồi cuối thế kỷ XIX, có 30 lò ở Hòa Lục, Phú Định, Cây Mai, Vĩnh Hội và Liêng Thanh (?) sản xuất 14,5 triệu viên gạch/năm, 1,4 triệu gạch vuông và 200.000 viên ngói/ năm cùng với lu hũ và đồ sành. Song đến năm 1898, tức 16 năm sau ghi nhận của Derbès, đã có hơn mười lò gốm ở vùng Chợ Lớn: Hòa Hợp Diêu, Đạt Thành Diêu, Hiệu Bửu Nguyên, Đồng Hòa Diêu, Phú Nhuận Diêu, Quảng Tứ Thuận Diêu, Quảng Hợp Thành Diêu, Hiệp Hưng Diêu, Chính Long Diêu, Đào Xương Diêu. Về chủng loại sản phẩm gốm, theo tài liệu dẫn trên, có các loại gạch, ngói, đồ gia dụng và gốm mỹ thuật. Gạch ngói được sản xuất ở hầu hết các tỉnh; đồ gia dụng như lu, mái, chậu (đủ các hình dáng và kích cỡ), nồi niêu, trã trách, siêu, cà ràng (bàn lò) chủ yếu sản xuất ở Chợ Lớn và kế đó là Châu Đốc (làng Nam Qui), Rạch Giá (làng Thổ Sơn), Biên Hòa, Bà Rịa. Gốm gia dụng ở Đề Ngạn do người Hoa sản xuất. Gốm Châu Đốc và Rạch Giá là gốm của người Khmer. Gốm Biên Hòa – Bà Rịa là gốm có nguồn gốc Trung bộ. Về đồ gốm mỹ thuật (đất nung và sành), đỉnh cao của gốm Cây Mai, Derbes cho chúng ta những thông tin sau đây:

– Ở khu Cây Mai có một lò gốm sản xuất đồ sành (céramiques) mà trình độ chế tác cao, sản phẩm được gia công kỹ lưỡng hơn. Lò này tọa lạc ở “phía bắc đồn Cây Mai, đường vào Đồng Mả Ngụy”. Đồn Cây Mai nay ở góc đường Hùng Vương - Nguyễn Thị Nhỏ. Đồng Mả Ngụy (nơi chôn tập thể những người có dính líu đến cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi hồi năm 1835 bị vua quan nhà Nguyễn xử tử) bao gồm vùng đất từ cư xá Đô Thànhđến trường đua Phú Thọ ngày nay.

–  Lò gốm này chiếm một khoảng đất rộng, song cơ sở vật chất là những căn nhà lá đơn sơ, thấp lè tè, mới mở mang nghề chừng “một năm rưỡi nay”, tức khoảng năm 1880.

– Kỹ thuật tạo hình áp dụng cả phương pháp in khuôn lẫn bàn xoay. Tạo hình bằng bàn xoay chiếm tỷ lệ ít ỏi và chỉ áp dụng để sản xuất loại chậu nhỏ. Bàn xoay sử dụng ở đây là kiểu: đặt sát mặt đất và chuyển động nhờ một người phụ việc - một tay nắm chặt sợi dây cột từ mái nhà làm chỗ tựa và dùng chân quay bàn xoay.

– Dãy nhà dành cho việc in khuôn rất lớn. Mỗi một thợ in khuôn chính có rất nhiều thợ phụ. Đất đã nhồi luyện kỹ để ủ sẵn ở gian bên được lấy ra theo nhu cầu cần thiết của từng sản phẩm. Họ làm hai loại sản phẩm: đồ đất nung và loại có phủ men để chống thấm nước hay dầu mỡ - thường có tô men màu.

– Loại sản phẩm gốm đất nung không phủ men là loại đồ nhỏ như bình, lọ, bình vôi, ô đựng trầu, siêu có vòi (cao 16cm, đường kính 12cm), hũ đựng thuốc phiện (đây là loại sản phẩm mới ra đời theo yêu cầu buôn bán của nhà nước thuộc địa) có nhiều cỡ chứa từ 1, 5, 10, 15 lượng cho đến loại chứa 400 lượng thuốc phiện. Đáng chú ý là loại chậu hình thuẫn, loại bình ống dài. Loại ống nhổ cốt trầu giữa thân bầu ra (cao 8cm, rộng 14 cm) là sản phẩm đẹp mắt tiêu biểu cho loại đồ gốm cỡ nhỏ này. Ngoài ra còn có thạp (cho các hiệu bán tương, củ cải muối, măng sấy), bát mài mực, bình đựng rượu, tay cầm, dĩa, ô bông, con tiện, nồi (đất trắng giả nồi đồng).

– Loại sản phẩm lớn phủ một lớp men chống thấm nước và dầu mỡ, thường có men màu, là những loại lu lớn (cao đến 62cm và đường kính  khoảng  30cm) có màu nâu đen được sản xuất cho nhu cầu thực dụng. Các sản phẩm có trang trí gồm lọ hoa, chậu hoa, đôn kê chậu, lọ v.v... Xét về mặt nghệ thuật, chúng có đủ kiểu dáng đáp ứng cho mọi yêu cầu. Các loại chậu có dạng kim tự tháp cắt ngọn có nhiều mặt phải gia công đắp các phù điêu hoa văn, cảnh trí mỹ thuật. Loại chậu bát giác, rộng đến 50 phân, phủ tuyền men màu lam sẫm, hơi tròn, đạt được sự cân đối hoàn hảo. Chúng thường được đặt trên những cái đôn màu xanh lục.

– Loại đồ sành (figuline) có triển vọng phát triển thành những tác phẩm nghệ thuật thực sự. Có hai ba nghệ nhân rất thiện nghệ trong việc tạo tác loại sản phẩm có giá trị nghệ thuật này. Họ có rất nhiều khuôn dùng để tạo ra các tượng người và thú vật sành rất đáng chú ý. Các sản phẩmloại này khi đã tạo hình xong, đem hầm chín rồi mới phủ men; kế đó hong khô mới đem nung lần thứ hai. Sản phẩm loại này thấy rất phổ biến trong các gia đình ở Sài Gòn. Về tượng sành Cây Mai, phần lớn là thứ tượng nhỏ. Có tượng cao đến 85cm. Đây đúng là những thành tựu của nghệ thuật điêu khắc gốm.

– Không được làm trong những xưởng lớn, những sản phẩm lớn và một số sản phẩm nhỏ được in khuôn từng phần; sau đó chúng sẽ được gắn vào nhau bằng đất hồ (đất sét đã được pha chế), và cạo gọt những chỗ thừa nhằm tạo ra hình dáng hoàn mỹ.

– Đất nguyên liệu đã được nhào luyện sẵn để ủ ở một phòng bên; song khi lấy ra dùng, người thợ in khuôn lại tiếp tục nhào nhuyễn với một ít nước để làm thành những phiến mỏng, dẻo.

–  Bảng màu men của đồ gốm Cây Mai không phong phú. Các màu chính là lam, xanh lục, vàng, đen, nâu và trắng; màu lam và xanh lục là hai màu chủ yếu và sáng bóng. Màu xanh lam là màu xanh côban; màu xanh lục (xanh ve chai) là hỗn hợp bột đồng thau và bột phenspat (feldspath); màu vàng được chế tạo từ thổ hoàng (ocre jaune); màu đen từ oxit chì; màu nâu đỏ từ hépatit.

– Người ta mua từ Trung Quốc những thùng lớn chứa một loại “dầu” gọi là “bạc dầu”- đây là oxyt chì. Người thợ tô men dùng nhiều tô để đựng “bạc dầu” và ngâm sẵn đầu cọ trong đó. Họ cho các loại “bột màu” nói trên vào các tô là đã sẵn sàng đủ các màu để tô, vẽ, chấm màu hay quét lên sản phẩm.

Công việc này được làm một cách “tài tử”; do đó có nhiều trường hợp lá cây có màu vàng và hoa lại có màu xanh lục... Nếu xương gốm được hầm lần đầu một cách kỹ lưỡng sẽ tạo nên những sản phẩm có màu sắc đẹp...

– Các sản phẩm được nung trong lò nung dài 25,5m, có độ dốc từ 1/5 đến 1/6. Các mắt lò (hỏa nhãn) lớn khoảng 8 đến 10cm phân bố trên vòm lò bên phải; có 5 dãy mắt, cách nhau 80 phân. Mỗi mắt có một nắp đậy để chụm củi chẻ nhỏ, 150 thanh củi cho một mắt lò. Kiểu lò này nung cả sản phẩm lớn, nhỏ, có da men hay gốm trần. Người ta không dùng hộp để đựng sản phẩm khi nung mà chỉ quan tâm đến các chỗ trống giữa các sản phẩm lớn để nhét thêm vào đó các sản phẩm nhỏ, màu sắc đẹp...

– Một lò nung được 2.000 sản phẩm cỡ vừa, hay 700 sản phẩm cỡ lớn. Thời gian nung kéo dài 48 giờ; chờ lò nguội từ 8 đến 10 giờ mới có thể lấy sản phẩm ra khỏi lò.

– Trong hai lò sản xuất đồ gốm (poteries), mỗi năm ra lò 20.000 bình vôi, 12.000 ô đựng trầu và tĩn đựng nước mắm. Riêng lò Cây Mai sản xuất đồ sành (céramiques), mỗi năm ra lò 1.000 lu lớn đựng nước, 250.000 sản phẩm đủ các loại khác và 150.000 bình đựng thuốc phiện. Theo Derbes, đồ sành Cây Mai sử dụng nguyên liệu đất có chứa nhiều nước, việc tô men màu không kỹ lưỡng, không có lò nung riêng cho loại sản phẩm đặc biệt, sản phẩm nung không có hộp, nhưng đây là “một khám phá cách sử dụng thông minh đất Thủ Đức và Biên Hòa - những tài nguyên quý báu mà nó đã lợi dụng được”.

2. Mười ba năm sau Derbes, M. Péralle đã tường thuật chuyến tham quan lò gốm Cây Mai trên tạp chí của Hội Nghiên cứu Đông Dương. Với cái nhìn của một nhà giáo trong chuyến đi thăm ngắn ngủi, Péralle có những hạn chế nhất định so với những khảo tả của ông “đại úy công binh” Derbes. Tuy nhiên, bài tường thuật của Péralle cũng cho chúng ta biết thêm một số chi tiết cụ thểvề lò gốm Cây Mai.

– Lò gốm Cây Mai nằm gần đồn Cây Mai: “đến đồn Cây Mai qua con đường hơi xấu, đi vòng quanh đồn, dẫn đến một cái cổng không lấy gì đồ sộ cho lắm”. Lò nằm bên một con rạch, đây là đường thủy để ghe thuyền vào chở hàng đã làm ra đi bán khắp nơi.

– Lò Cây Mai sản xuất đôn, rồng, lân, các con vật hoang đường khác và đủ các loại lu, hũ, bình, lọ...

– Cơ sở sản xuất rất rộng: nhà xưởng 100m x 20m và các dãy nhà cho công nhân lưu trú. Tổng số thợ là 90 người.

– Về kỹ thuật: đất trộn bằng cái mai gỗ và nhồi bằng cách giẫm chân lên đất. Kế đó, người ta dùng trục lăn để cán đất thành những lát mỏng có độ dày được quy định. Những lát đất này được in với khuôn bằng gỗ để làm ra lu, bình, hũ, lọ và bát, chậu... Tuy nhiên, không phải tất cả đều làm bằng khuôn mà người thợ còn dùng bàn xoay, với đường kính 80cm, đặt sát mặt đất, chuyển động bằng đôi chân của người thợ phụ, còn người thợ chính ngồi xổm để xây các sản phẩm. Sản phẩm tạo hình xong đem hong hoặc phơi nắng cho khô mới nhúng da (phủ một lớp men trên sản phẩm). Đồ gốm mỹ thuật thì tô men màu theo các họa tiết, hoa văn cụ thể.

– Lò dài 30m, nghiêng 250, có nhiều ngăn, có cửa bên hông; đưa đồ gốm vào trét kín lại mới nung. Thời gian nung 10 giờ.

– Lò Cây Mai được khen thưởng một huy chương bạc ở cuộc triển lãm năm 1880 tại Nam kỳ. Gốm Cây Mai nổi tiếng ở Nam kỳ và nước ngoài, nhất là tại thị trường Pháp.

3. Trong Địa phương chí Biên Hòa cũng như trong Địa phương chí tỉnh Biên Hòa, các tác giả đều cho biết: đầu thế kỷ XX, ở Biên Hòa chủ yếu sản xuất lu hũ và chén bát, còn việc đồ sànhCây Mai bị gián đoạn vì “theo một thỏa thuận với người Hoa ở Chợ Lớn, những người làm gốmở Biên Hòa không được sản xuất loại sản phẩm Cây Mai”. Còn theo Địa phương chí Thủ DầuMột thì đầu thế kỷ XX, trong 40 lò gốm ở đây có một số lò sản xuất “loại gốm Cây Mai”, nhưngchất lượng kém hơn đồ gốm Cây Mai chính hiệu.

Điều này và kết quả khảo sát thực tế ở Đồng Nai cho thấy rằng loại gốm sành Cây Mai đã được sản xuất ở Biên Hòa vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Thỏa thuận trên chỉ có hiệu lực một thời gian ngắn. Chúng ta có nhiều bằng chứng cho thấy rằng các nghệ nhân gốm, sành - men màu Cây Mai là những thầy giáo dạy về gốm đầu tiên của trường Mỹ thuật Biên Hòa (lập năm 1903); và gốm Cây Mai là một trong các nhân tố góp phần tạo nên loại đồ gốmBiên Hòa đặc trưng của trường Mỹ nghệ thực hành Biên Hòa nổi tiếng (từ năm 1925 về sau). Còn ở Lái Thiêu (Bình Dương), các loại sản phẩm “hậu Cây Mai” cũng được sản xuất với số lượng đáng kể và đạt được trình độ kỹ thuật lẫn mỹ thuật đáng chú ý.

Bước 1: Truy cập website và lựa chọn sản phẩm cần mua để mua hàng

Bước 2: Click và sản phẩm muốn mua, màn hình hiển thị ra pop up với các lựa chọn sau

Nếu bạn muốn tiếp tục mua hàng: Bấm vào phần tiếp tục mua hàng để lựa chọn thêm sản phẩm vào giỏ hàng

Nếu bạn muốn xem giỏ hàng để cập nhật sản phẩm: Bấm vào xem giỏ hàng

Nếu bạn muốn đặt hàng và thanh toán cho sản phẩm này vui lòng bấm vào: Đặt hàng và thanh toán

Bước 3: Lựa chọn thông tin tài khoản thanh toán

Nếu bạn đã có tài khoản vui lòng nhập thông tin tên đăng nhập là email và mật khẩu vào mục đã có tài khoản trên hệ thống

Nếu bạn chưa có tài khoản và muốn đăng ký tài khoản vui lòng điền các thông tin cá nhân để tiếp tục đăng ký tài khoản. Khi có tài khoản bạn sẽ dễ dàng theo dõi được đơn hàng của mình

Nếu bạn muốn mua hàng mà không cần tài khoản vui lòng nhấp chuột vào mục đặt hàng không cần tài khoản

Bước 4: Điền các thông tin của bạn để nhận đơn hàng, lựa chọn hình thức thanh toán và vận chuyển cho đơn hàng của mình

Bước 5: Xem lại thông tin đặt hàng, điền chú thích và gửi đơn hàng

Sau khi nhận được đơn hàng bạn gửi chúng tôi sẽ liên hệ bằng cách gọi điện lại để xác nhận lại đơn hàng và địa chỉ của bạn.

Trân trọng cảm ơn.

zalo