Sách Khai Minh - Phụng Sự Nhân Sinh

Kafka –Vì một nền văn học thiểu số

60.000₫
Tình trạng: Hết hàng

Tác giả: Gillles Deleuze, Felix Guattari

Hình thức: Bìa mềm, 244 trang

Thể loại: Nghiên cứu văn học

Nhà xuất bản: NXB Tri Thức, 2018

“VĂN HỌC THIỂU SỐ”
VÀ MỘT CÁCH ĐỌC KHÁC VỀ KAFKA

“Les beaux livres sont écrits dans
une sorte de langue étrangère”

(Những quyển sách hay được viết
bằng một loại ngôn ngữ xa lạ)
Marcel Prous

“Văn chương tàn tức nhược như ty”/“Thơ văn tiếng thở như lời tơ than” (Nguyễn Du/Bùi Giáng dịch) có thể là cảm tưởng đầu tiên của người đọc về Kafka. Hoàn cảnh đặc biệt của Kafka - như chính ông thú nhận - dường như củng cố cho cảm tưởng ấy. Là người gốc Do Thái, nói tiếng Đức, sinh sống và viết văn ở Praha (Tiệp Khắc), Kafka thuộc về thiểu số của thiểu số: thiểu số những người nói tiếng Đức và thiểu số với thân phận người Do Thái. “Chính theo nghĩa ấy, Kafka định nghĩa cái ngỏ cụt đã ngăn cản người Do Thái ở Praha đến với việc viết và làm cho văn chương của họ trở thành bất khả về mọi mặt”[2]. “Sự bất khả” ấy được Kafka mô tả trong thư gửi cho Max Brod, tháng 06.1921: “Không thể không viết, không thể viết bằng tiếng Đức và không thể viết bằng cách nào khác”[3]. Không thể không viết, bởi ý thức dân tộc bất an và bị đè nén buộc phải dựa vào văn chương. Nhưng, viết bằng ngôn ngữ nào? Tiếng Tiệp, tiếng Đức hay tiếng Do Thái? Không thể viết bằng ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Đức, bởi người Do Thái thiểu số ở Praha vẫn không vượt được khoảng cách với ngôn ngữ và mảnh đất Tiệp quen thuộc mà xa lạ. Ta biết rằng Kafka đã chọn viết bằng tiếng Đức. Nhưng, làm sao có thể viết bằng tiếng Đức với tư cách một kẻ thuộc thiểu số ở xa? Nhất là khi tiếng Đức là một ngôn ngữ “lớn”, ngôn ngữ của đa số, với những tượng đài như Goethe, Schiller hầu như là những mẫu mực đã định hình và dễ đẩy người viết vào chỗ tuân phục, mô phỏng, mà mô phỏng, bắt chước đồng nghĩa với cái chết của văn chương? Mặt khác, bản thân thiểu số dân cư Đức ở Praha cũng đã “bị mất gốc, bật rễ” (thuật ngữ trong sách này: “đã bị giải lãnh thổ hóa”): “một thiểu số thống trị sử dụng một “ngôn ngữ giấy, giả tạo, đặc tuyển, xa rời quần chúng”. “Ngôn ngữ giấy”, bởi nó ngày càng mỏng mảnh, nghèo nàn, khô héo về từ vựng lẫn ngữ pháp, một “ngôn ngữ quặt què” nói như Bùi Giáng. Ngôn ngữ ấy có nguy cơ mất lời, mất tiếng và bất lực, giống như vô số  ngôn ngữ của những nhóm di dân hay “bên lề”, không thuộc “dòng chính”. Chính trong bối cảnh ấy, Kafka, trong một vài ghi chú rời rạc trong Nhật ký[4] và một luận văn dở dang, đã đề ra quan niệm về một “văn học thiểu số”. Gilles Deleuze và Félix Guattari, trong Pour une littérature mineure, triển khai quan niệm này bằng ba cột trụ: “Ba đặc điểm của văn học thiểu số là sự giải lãnh thổ hóa của ngôn ngữ, sự gắn kết của cá nhân với cái chính trị-trực tiếp và sự kết chuỗi tập thể của phát ngôn”.

Ba cột trụ ấy sẽ làm biến đổi toàn bộ “số phận” của một nền văn học thiểu số. Nó sẽ không còn là “tàn tức” mà mang tính “cách mạng”, không theo nghĩa là một nền “văn học dấn thân” (littérature engagée) của Sartre, mà như là nỗ lực biểu đạt, như một hành vi ngôn ngữ, một cấu hình đặc biệt của ngôn ngữ. Deleuze phát triển ba điểm này song hành với quan niệm của riêng ông về ngôn ngữ và về lôgíc của sự biến dịch bằng một hệ khái niệm tinh vi và khá khó hiểu. Do đó, để dễ tiếp thu chuyên luận này, trước hết, thiết tưởng nên tìm hiểu sơ lược những khái niệm chính yếu của Deleuze chung quanh ba cột trụ nói trên.

Sau những công trình nghiên cứu về các triết gia như David Hume (1953), Nietzsche (1962), Kant (1963), Bergson (1966), Deleuze đã có những thử nghiệm đầu tiên trong Différence et répétition (1968) và Logique du sens (1969)[5] đánh dấu bước chuyển từ thuyết cấu trúc sang hậu-cấu trúc. Trong Logique du sens, Deleuze tìm cách kết hợp cấu trúc và chuỗi với một triết học về sự biến (événement/event). Thuyết cấu trúc đi tìm những cấu hình cố định về các mối quan hệ, cho phép ta nhận diện và giải thích những sự vật khác nhau trong các mối quan hệ ấy, chẳng hạn những cấu hình được lặp đi lặp lại trong những thực hành xã hội bên trong hoặc xuyên qua các nền văn hóa khác nhau. Trong khi đó, sự biến sẽ du nhập sự thay đổi và khác biệt vào bên trong các cấu trúc này, tạo nên sự biến cải và đổi mới. Theo Deleuze, một sự biến xuyên thấu các chuỗi trong cấu trúc, biến đổi cấu trúc, đổi mới các quan hệ về nghĩa cùng với các chuỗi. Theo cách nhìn này, sự biến không phải là sự mới mẻ tuyệt đối, như một cắt đứt với lịch sử. Nó cũng không phải là thực thể hoàn toàn mới mẻ như cái gì trước nay chưa thấy hay không hề nghĩ đến. Sự biến cần được hiểu như sự chọn lọc mới mẻ trong tiến trình biến đổi không ngừng của chuỗi. Chẳng hạn như sự biến đổi của cả một giống loài do thay đổi khí hậu, hay những công dân vốn không quan tâm đến chính trị được thức tỉnh từ sự bất bình. Âm ỉ hay đột biến, sự thay đổi luôn bao hàm nhiều chuỗi tiến trình liên tục, và sự biến sở dĩ có sức mạnh lay chuyển là nhờ vào năng lực xuyên thấu của nó. Từ việc tiếp thu di sản - hiểu như là nguồn lực - từ các đại triết gia tiền bối, và từ những suy tưởng của riêng mình, Deleuze muốn dành ưu tiên cho sự khác biệt hơn là sự đồng nhất, sự tái diễn những biến dị hơn là sự giữ nguyên như cũ. Trong “Lô gíc của nghĩa”, Deleuze muốn tìm lời giải đáp cho hai câu hỏi: “Điều gì xảy ra cho những chuỗi này, khi một sự biến gây âm vang trong chúng?” và “Các chuỗi ấy phải được cấu trúc ra sao để có thể đón nhận những sự biến, và đồng thời cũng là cho sự tiếp tục và nối kết của mọi chuỗi?”[6].

Nhưng, bên cạnh nhiều bài giảng và tác phẩm sẽ được tiếp tục viết riêng về Spinoza, Francis Bacon, Leibniz, Foucault, điện ảnh và nhiều ngành nghệ thuật khác, có thể nói, từ khi làm quen và cộng tác với Félix Guattari (1930-1992), triết gia, nhà tâm lý trị liệu và nhà ký hiệu học Pháp, tư tưởng của G. Deleuze cũng trở nên phong phú và được cụ thể hóa, bắt đầu với công trình đồ sộ phê phán phân tâm học Freud[7], rồi cùng thử nghiệm lối đọc mới, giải-phân tâm học về Kafka trong tác phẩm này, và đúc kết sự cộng tác đầy hiệu quả với tác phẩm Qu’est ce que la philosophie? (1991), một năm trước khi Guattari qua đời. 

“THIỂU SỐ” LÀ GÌ?

Kafka dùng chữ “văn học nhỏ” (kleine Literatur). Deleuze và Guattari dịch là “litérature mineure”. Nhưng, “mineure” (“nhỏ hơn”) ở đây không hề có nghĩa là nhỏ bé hơn, thấp kém hơn, hay thậm chí, ấu trĩ. Trái lại, “nhỏ” biểu thị một thế đứng nhất định, một vị trí phát ngôn để từ đó sáng tác văn chương. Deleuze xác định vị trí của “cái nhỏ” như là thế đứng để tạo ra một “thiểu số” trong diễn ngôn có mối quan hệ trực tiếp với quyền lực chính trị như sẽ thấy rõ hơn ở sau. Ngôn ngữ nào cũng áp đặt những quan hệ quyền lực thông qua các quy tắc ngữ pháp và cú pháp, các mã từ vựng và từ nghĩa, tuy nhiên, những quan hệ này lại không ổn định. Sử dụng ngôn ngữ theo kiểu “đa số” luôn có xu hướng hạn chế, tổ chức, kiểm soát và điều tiết chất liệu ngôn ngữ phục vụ cho trật tự xã hội thống trị, trong khi đó, sử dụng ngôn ngữ theo kiểu “thiểu số” sẽ du nhập sự mất cân bằng giữa các thành tố, tận dụng được tiềm năng đa dạng và dị biệt hóa vốn có mặt bên trong ngôn ngữ. Mọi ngôn ngữ, dù là ngôn ngữ thống trị hoặc bị gạt sang bên lề, đều đón nhận cả hai cách sử dụng, và, do đó, văn học thiểu số được hiểu như là cách xử lý những biến số của ngôn ngữ theo cách “thiểu số”. Thật thế, cái đa số là cái thuần nhất, đồng dạng (homogene). Nó cần có quy phạm để duy trì quyền lực, để tự kiểm soát và tự khẳng định. Ngược lại, cái thiểu số có thể đề ra những biện pháp để thoát khỏi sự cưỡng bức phải đồng dạng hóa ấy. Nó dự phóng những “đường thoát”, tạo ra những không gian “ở giữa”, và có thể trở thành-khác. Đặc điểm của thiểu số là tính không thuần nhất, không đồng dạng (hetérogene). Nó không bị kiềm tỏa trong vòng quy phạm thống trị của đa số; nó có thể “thêm vào”, nghĩa là không thể đo đếm được, và không chịu “xếp hàng”.

Theo nghĩa ấy, “đa số” hoặc “thiểu số” không nhất thiết thể hiện ở số lượng, mà ở vị trí của chúng bên trong mối quan hệ quyền lực không đối xứng được tăng cường bằng những mã ngôn ngữ và những đối lập nhị phân. Chẳng hạn, “người đàn ông-da trắng-tây phương” là thiểu số trên thế giới, nhưng họ giữ vị trí đa số qua vị trí ưu thế, và ưu thế này thâm nhập vào trong những cặp đối lập ngôn ngữ luôn có xu hướng khẳng định, xác lập và trợ giúp cho việc thống trị. Nếu nhắm mắt chấp nhận những phạm trù đối lập nhị phân ấy, những gì thuộc về thiểu số chỉ góp phần tăng cường quan hệ thống trị. Ngược lại, nếu phá vỡ những đối lập ấy (phương Tây/không phải phương Tây; da trắng/không phải da trắng; nam/nữ; người lớn/trẻ con, hay thậm chí con người/con vật…) thì những lực lượng thiểu số mới có thể thay đổi quan hệ quyền lực. “Chỉ có trở thành “khác”, chỉ có vượt các đối cực của sự đối lập nhị phân và làm mờ các phạm trù phân loại ấy, mới có thể sáng tạo ra những khả thể mới cho sự tương tác xã hội. Một tiến trình trở thành-khác như thế là tâm điểm của văn học thiểu số và của việc sử dụng ngôn ngữ theo kiểu thiểu số, và chính việc trở thành-thiểu số này sẽ chuyển hóa một thiểu số bị thống trị thành một lực lượng tích cực của sự biến đối. Vì thế, văn học thiểu số không phải là một sản phẩm cho bằng một tiến trình trở thành thiểu số, qua đó ngôn ngữ lập tức được giải lãnh thổ hóa, các vấn đề xã hội và chính trị được đề cập, và một sự kết chuỗi tập thể của phát ngôn giúp tìm ra một nhân dân tương lai”[9].

Tóm lại, nói một cách thật khái quát, theo Deleuze, đa số không có tính sáng tạo, không tạo ra sự biến đổi, biến dịch. Ngược lại, mọi sự định hình của thiểu số thì luôn có tính tạm thời và không ngừng phát triển.

QUAN HỆ VỚI CÁI “CHÍNH TRỊ-TRỰC TIẾP”

Nội dung chính trị trực tiếp của phát ngôn thiểu số đến từ sự “kết chuỗi” tập thể của phát ngôn văn học. “Mọi văn học thiểu số đều có tính chính trị trực tiếp: không phải bởi nó diễn đạt một thông điệp chính trị, mà vì phương thức thể hiện của nó là cất lên tiếng nói không phải từ một chủ thể phát ngôn cho bằng một phát ngôn nặc danh hay tiền-định danh (pre-personal)”[10]. Đó là việc chuyển dịch vị thế của người nói, là một phương cách nói. Với Deleuze, văn chương không phải là kể lể những hồi ức, trải nghiệm, buồn, vui, hay mơ tưởng, tức không phải là việc lên tiếng thuần túy chủ quan theo cấu trúc kiểu Oedipe[11], mà chủ yếu là mở rộng những khả thể. Nói khác đi, văn chương không đề ra một quy phạm mới, mà tạo nên những sự lựa chọn khác. Muốn thế, nó cần vượt ra khỏi một chủ thể riêng lẻ, chẳng hạn bằng cách nói nặc danh với mạo từ không xác định, phiếm chỉ để nói lên rằng đó là một trong nhiều lựa chọn, chứ không phải một quy phạm (như nhan đề một truyện ngắn của Kafka: Ein Hungerkünstler/Một nghệ sĩ chết đói).

Ngôn ngữ, nhất là cú pháp, do mang theo mình nhiều khả thể biến dị, tràn đầy tiềm lực để thúc đẩy sự thay đổi: “văn chương là quan trọng […] bởi nó có sức mạnh lôi kéo ta ra khỏi những thông điệp được mã hóa của ngôn ngữ để trở về lại với thanh âm, dấu hiệu và xúc cảm vốn là nguồn suối cho sự ra đời của ý nghĩa”[12]. Trong thực tế, theo cách nhìn của Deleuze và Guattari, đó là sự kết nối các cuộc đấu tranh chính trị của những thiểu số với những thử nghiệm về hình thức, tiêu biểu cho phong trào văn nghệ tiền phong hiện đại chủ nghĩa. Chính sự kết nối này mang lại tính chất “chính trị”, “cách mạng” cho nền văn học thiểu số: tiến hành một sự biến dịch, một sự “trở thành” của thiểu số: trong văn chương, thiểu số thêm vào một điều gì đó, và bản thân nó được mở rộng, biến đổi, thậm chí, “tìm ra một nhân dân trong tương lai” như nhận xét của Ronald Bogue ở trên, hay như cách nói của Kafka, “văn chương trở thành công việc của nhân dân” (Nhật ký ngày 25.12.1991).

Như thế, văn học thiểu số tương phản với đa số có chức năng xác định quy phạm, chứ không đơn giản đối lập hay chống lại đa số, bởi nó chỉ là một trong những nơi tạo ra cái mới bằng sự sáng tạo, cho thấy những lựa chọn khác, những lĩnh vực nằm lưng chừng ở giữa, những khả thể của sự biến dịch, trở thành. Chính theo nghĩa ấy, văn chương - của và thông qua thiểu số - mang tính chính trị, cách mạng, dù không phải là một nền văn chương dấn thân (littérature engagée) theo nghĩa quen thuộc.

“GIẢI LÃNH THỔ HÓA” VÀ SỰ GIẢI PHÓNG NGÔN NGỮ

Trong lý thuyết văn học của Deleuze, ngôn ngữ xuất hiện với hai bộ mặt: một mặt là sự sáng tạo, tức thông qua lao động nghệ thuật, góp phần phát triển một phương cách để mang lại sự biến dịch cho ngôn ngữ, và mặt kia là ở trong tác động của nó, như sẽ bàn ở sau.

Deleuze không hình dung ngôn ngữ như một hệ thống cố định theo cách hiểu kinh điển của thuyết cấu trúc, trái lại, là có thể biến đổi được, có thể bị lay chuyển làm cho nó mất đi sự thăng bằng, và - bằng “con đường thoát” - khiến nó trở nên xa lạ với cương vị cố hữu như là công cụ của quyền lực[14]. Lao động của nhà văn là làm việc với ngôn ngữ và với sự phát triển của ngôn ngữ. Động cơ hướng đạo ở đây là dự phóng một ngôn ngữ xa lạ ngay bên trong lòng ngôn ngữ “lớn” của chính mình, như cách nói của Marcel Proust, được Deleuze dùng làm đề từ cho tập Critique et clinique.

Như đã nói, ngôn ngữ - thông qua những khả thể và những đường vòng của cú pháp - ra sức “phơi bày sự sống ở trong sự vật”[16]. Những con đường vòng phơi bày sự sống ở trong sự vật được Deleuze và Guattari hình dung bằng khái niệm “giải lãnh thổ hóa” của ngôn ngữ. Giải lãnh thổ hóa (deterritorialisation) là một trong nhiều thuật ngữ trung tâm của Deleuze và Guattari, được dùng để mô tả những tiến trình biến đổi trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau: sinh lý, tâm lý, văn học, kinh tế, xã hội, chính trị v.v… Nói chung, giải lãnh thổ hóa là vận động nhờ đó một sự vật thoát ly hay thoát khỏi một lãnh thổ có sẵn. Ba tiến trình - hình thành lãnh thổ, giải lãnh thổ hóa và tái lãnh thổ hóa - gắn liền với nhau trong bất kỳ một lĩnh vực nào. Một ví dụ dễ hiểu của Deleuze và Guattari: “Thương nhân mua sản phẩm nơi một lãnh thổ, giải lãnh thổ hóa những sản phẩm ấy thành hàng hóa, và tái lãnh thổ hóa trong vòng chu chuyển thương mại”[17]. Giải lãnh thổ hóa bao giờ cũng là một tiến trình phức hợp bao gồm ít nhất một yếu tố giải lãnh thổ hóa và một lãnh thổ đã được bỏ lại đàng sau hoặc sẽ được tái tạo. Nghiên cứu của Marx về tích lũy nguyên thủy trong bộ Tư bản minh họa sự vận hành của “các véc tơ của giải lãnh thổ hóa” trong lĩnh vực kinh tế-xã hội: sự phát triển của thị trường hàng hóa giải lãnh thổ hóa nền nông nghiệp phong kiến và dẫn đến sự ra đời của sản xuất thương mại đại trà như là sự tái lãnh thổ hóa ở cấp độ cao hơn. Giải lãnh thổ hóa, như thế, luôn gắn liền với tiến trình tái lãnh thổ hóa tương ứng, nhưng, tái lãnh thổ hóa không phải lúc nào cũng có nghĩa là quay trở lại với “lãnh thổ” nguyên thủy, mà là những con đường trong đó những yếu tố đã được giải lãnh thổ hóa tái kết hợp và đi vào trong những quan hệ mới. Bản thân việc tái lãnh thổ hóa cũng là một tiến trình phức hợp với nhiều hình thức khác nhau và phụ thuộc vào tính chất của tiến trình giải lãnh thổ hóa, trong đó nó diễn ra. Nói ngắn gọn, giải lãnh thổ hóa là tháo gỡ những mối quan hệ cứng nhắc để đưa sự vật đến với những hình thức tổ chức mới, hay nói cách khác, là vận động mang lại sự thay đổi và biểu thị tiềm lực sáng tạo của một tập hợp nhất định. Điều cần ghi nhớ là: Deleuze, cũng như Guattari, quan tâm đến việc vượt bỏ khuôn khổ nhị nguyên, lưỡng phân vốn chi phối triết học Tây phương (tồn tại/không tồn tại; nguyên bản/bản sao v.v…). Do đó, mối quan hệ giữa giải lãnh thổ hóa với tái lãnh thổ hóa không được hiểu theo nghĩa phủ định đơn thuần như là hai đối cực. Trái lại, giải lãnh thổ hóa vốn bao hàm ngay trong lãnh thổ như là vec tơ biến đổi của nó, vì thế, gắn liền với chính khả thể thay đổi nơi nội tại của một hữu thể có sẵn. Vậy, đâu là cơ chế vận hành của giải lãnh thổ hóa? Deleuze và Guattari nhấn mạnh đến cách thức sự vật liên kết với nhau như thế nào hơn là chúng tồn tại ra sao, quan tâm đến các xu hướng có thể mang lại những biến động sáng tạo hơn là đến “thực tại”. Hai ông không xem xét sự vật như bản thể mà như tập hợp hay tích hợp, tập trung xem xét những lực triển khai – có chức năng tác động hoặc bị tác động – hơn là những bản chất tĩnh tại. Đường đi của sự biến động ấy được gọi là “đường thoát” (ligne de fuite/line of flight) hay “đường giải lãnh thổ hóa” chạy xuyên qua một tập hợp và làm cho nó thoát ly khỏi hình thức hiện tại([18]). Deleuze và Guattari mô tả các tập hợp bằng ba loại “con đường” xuyên suốt sự tương tác của chúng với thế giới bên ngoài. Có con đường hình thành một hệ thống lưỡng phân cứng nhắc với dạng tầng bậc giống như một cái cây (molaire / molar), có con đường mềm dẻo hơn (moléculaire/molecular) nhưng vẫn còn mang tính phân đoạn, làm cho sự tái lãnh thổ hóa quay trở lại với con đường cứng nhắc cũ, và, sau cùng, có con đường “thoát”, cắt đứt hai con đường kia. Con đường thoát này có thể tiến hóa thành những sự biến hình (métamorphoses) sáng tạo của tập hợp cũng như tác động đến những tập hợp khác. Vì lẽ ba con đường này cùng tồn tại và có thể chuyển hóa sang nhau, Deleuze và Guattari cho ta một ví dụ “tổng hợp” để minh họa: đế quốc La Mã có thể được xem như thuộc con đường nhị phân cứng nhắc; các bộ lạc dã man di trú băng qua các biên giới để cướp bóc, nhưng cũng đồng thời tái lãnh thổ hóa bằng cách tự hội nhập thành những cộng đồng bản địa, thuộc con đường thứ hai của sự phân đoạn mềm dẻo; và sau cùng, các bộ lạc du mục tránh thoát khỏi mọi hình thức lãnh thổ hóa và gieo rắc sự giải lãnh thổ hóa bất cứ nơi đâu họ đặt chân đến là thuộc con đường thứ ba, “đường thoát” đúng nghĩa![19]

Trở lại với ngôn ngữ, Deleuze và Guattari xem ngôn ngữ quả thật có thể bị giải lãnh thổ hóa theo nghĩa bị “bật rễ” như trường hợp tầng lớp bên trên nói tiếng Đức ở Praha (Tiệp) đối với Kafka, nhưng cũng có thể được giải lãnh thổ hóa thông qua tài năng sáng tạo của nhà văn. Deleuze xem những gì đã được viết ra, về căn bản, là đã được giải lãnh thổ hóa. Qua miệng và răng - tạo nên âm từ - ngôn ngữ “lãnh thổ hóa” và tìm thấy chỗ của mình trong thanh âm. Trong văn từ được viết ra, ta thấy nảy sinh một hiệu ứng của việc giải lãnh thổ hóa, và ngôn ngữ viết được tái lãnh thổ hóa thành công cụ của nghĩa. Trong khi đó, theo Deleuze, nhà văn còn phải nỗ lực hơn thế nữa: “Ngôn ngữ không còn mang tính biểu tượng nữa để vươn đến những cực điểm hay những ranh giới của nó”[20]. Nếu giải lãnh thổ hóa, nói chung, là sự giải phóng ngôn ngữ, thì nhà văn còn mang ngôn ngữ đến tận những ranh giới của nó, nghĩa là, đi tìm một cái “bên ngoài” ngôn ngữ[21]. Nhờ đó, đi tới được những sự căng bức và gãy vỡ, làm cho văn chương trở nên hấp dẫn và lý thú.

Deleuze dẫn ra nhiều ví dụ để minh họa trong nhiều tác phẩm khác nhau. Ông nhắc đến trường hợp Melville, trong truyện ngắn Bartleby, the Scrivener, sử dụng tiếng Mỹ như là điểm xuất phát của một sự biến dị. Câu viết lửng lơ: “I would prefer not to” tạo nên một khoảng trống, một chỗ lưng chừng, một công thức của sự từ khước. Chính ở đây, ý tưởng của nhà văn chạm đến “cái bên ngoài ngôn ngữ. Qua việc “lửng lơ” trước quyết định về một cái gì cụ thể, ngôn ngữ không còn tạo ra một nghĩa nhất định nào nữa, vì nó du nhập một cú pháp mới, và vô-ngữ pháp. Hành vi ngôn ngữ bao giờ cũng liên hệ với một cái gì, trong khi hành văn “tự hủy” này không liên hệ với cái gì hết. Đó cũng có thể là trường hợp của Louis Wolfson với phương pháp phiên dịch chỉ dựa vào sự đồng âm, điệp thanh, đối ngữ, qua đó thay đổi ý nghĩa của từ[24]. Cả hai trường hợp khiến ta đặc biệt nhớ đến Bùi Giáng trong ngôn ngữ Việt.

TÁC ĐỘNG CỦA NGÔN NGỮ

Ngôn ngữ không chỉ là phương tiện để sáng tác văn chương. Nó còn vai trò quan trọng hơn: can thiệp trực tiếp vào thực tại. Gần gũi với lý thuyết về hành vi ngôn ngữ, Deleuze khẳng định: “Nói là làm”[26]. Nói là thực hiện một hành động, không chỉ đơn thuần có tính ngôn ngữ. Vì thế, nhà văn cần sáng tạo nên một ngôn ngữ tác động trực tiếp đến người đọc: “ngôn ngữ tác động, chứ không còn là tác động của người nói”[27]. Một văn bản, hay văn chương nói chung, không khác với thực tại, bởi, như đã nói ở trên, giữa hai bên không phải là một quan hệ sao chụp: “Ngôn ngữ không nhằm hình dung, đặt tên hay phát biểu, trái lại, nhằm sáng tạo nên những thế giới của nghĩa, tương tác với những thế giới vật chất khác, chẳng hạn như với thế giới của những vật thể, luật pháp và văn hóa”[28].

 

Bước 1: Truy cập website và lựa chọn sản phẩm cần mua để mua hàng

Bước 2: Click và sản phẩm muốn mua, màn hình hiển thị ra pop up với các lựa chọn sau

Nếu bạn muốn tiếp tục mua hàng: Bấm vào phần tiếp tục mua hàng để lựa chọn thêm sản phẩm vào giỏ hàng

Nếu bạn muốn xem giỏ hàng để cập nhật sản phẩm: Bấm vào xem giỏ hàng

Nếu bạn muốn đặt hàng và thanh toán cho sản phẩm này vui lòng bấm vào: Đặt hàng và thanh toán

Bước 3: Lựa chọn thông tin tài khoản thanh toán

Nếu bạn đã có tài khoản vui lòng nhập thông tin tên đăng nhập là email và mật khẩu vào mục đã có tài khoản trên hệ thống

Nếu bạn chưa có tài khoản và muốn đăng ký tài khoản vui lòng điền các thông tin cá nhân để tiếp tục đăng ký tài khoản. Khi có tài khoản bạn sẽ dễ dàng theo dõi được đơn hàng của mình

Nếu bạn muốn mua hàng mà không cần tài khoản vui lòng nhấp chuột vào mục đặt hàng không cần tài khoản

Bước 4: Điền các thông tin của bạn để nhận đơn hàng, lựa chọn hình thức thanh toán và vận chuyển cho đơn hàng của mình

Bước 5: Xem lại thông tin đặt hàng, điền chú thích và gửi đơn hàng

Sau khi nhận được đơn hàng bạn gửi chúng tôi sẽ liên hệ bằng cách gọi điện lại để xác nhận lại đơn hàng và địa chỉ của bạn.

Trân trọng cảm ơn.

zalo